Rộng cửa tiêu thụ nông sản an toàn

ANTĐ - Sau nhiều nỗ lực, Hà Nội hiện đã hình thành các chuỗi sản xuất nông sản an toàn khép kín, kiểm soát từ chuồng trại, đồng ruộng tới bàn ăn. Tuy nhiên, số lượng những mô hình chuỗi này vẫn còn khiêm tốn trong khi nhu cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố lại rất lớn.

Cung ứng nông sản theo chuỗi liên kết giúp kiểm soát tốt ATTP 

Hình thành nhiều chuỗi nông sản an toàn

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố đã hình thành 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản phẩm các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hàng nghìn tấn rau, 4.500 tấn thịt lợn, gia cầm, 140 triệu quả trứng, 29.000 tấn sữa tươi. 

Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, một lượng lớn sản phẩm nông sản vẫn được thương lái mua tại các chợ đầu mối, sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể.

“Lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối vẫn đang đóng vai trò là khâu điều phối sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin.

Đáng nói, hiện nay việc liên kết giữa nông dân - nhà phân phối vẫn còn yếu, chủ yếu vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm” nên khó kiểm soát. Bởi vậy, dù nông dân sản xuất ra sản phẩm an toàn nhưng hầu hết vẫn tự tiêu thụ tại các chợ dân sinh.

Điều này khiến lợi nhuận không cao, không tạo sự khác biệt và khó củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối lại mải chạy theo lợi ích trước mắt, bỏ quên vấn đề an toàn thực phẩm, không kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thậm chí có hiện tượng trà trộn sản phẩm kém chất lượng để tiêu thụ.  

Ông Nguyễn Văn Hoạch, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết: “Từ năm 2011, rau an toàn trên địa bàn xã đã được nhận chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thường xuyên có cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội về kiểm tra, hướng dẫn. Tuy nhiên con đường đến với các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn còn quá khó”.

Tìm đầu ra tiêu thụ nông sản sạch 

Hiện nay, nhiều mô hình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn đã ra đời, đang phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá tương xứng. Mới đây, Tập đoàn Vingroup vừa ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Các doanh nghiệp ký kết với Vingroup thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm tươi sống… đến từ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Theo đó, từ 1-6-2016 đến 1-6-2017, các doanh nghiệp trên sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.

Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được Vinmart và Vinmart+  hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích nhằm tạo thêm nguồn kinh phí để doanh nghiệp tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về ATTP. Đồng thời, Vingroup cũng khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp được hỗ trợ phải cam kết sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao. Đặc biệt, Vingroup đã đầu tư 16 phòng thí nghiệm (Lab) tại các địa phương có hệ thống siêu thị Vinmart để kiểm soát ATTP cho toàn bộ sản phẩm tiêu thụ tại hệ thống siêu thị… Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói: “Chúng tôi muốn chung tay cùng các doanh nghiệp tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng đảm bảo chất lượng cho cộng đồng”.

Cùng với chuỗi siêu thị của Vingroup, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã xác nhận một số hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn như chuỗi rau an toàn của BigGreen, rau an toàn của HTX Lĩnh Nam, Thanh Trì, chuỗi cung cấp thịt lợn của Công ty Thủy Thiên Thu... Con số này theo đánh giá là còn quá ít so với nhu cầu của người dân. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để mở rộng thêm hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn tới người dân.