Rộng cửa tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc

ANTĐ - Ngày 18-5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Hàn Quốc đã mở rộng hơn cánh cửa đối với người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại nước này, kể cả lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện hồi hương.

Hàn Quốc mở cửa trở lại đối với lao động Việt Nam

Tăng cơ hội việc làm

Sau gần 4 năm tạm dừng thực hiện, Hàn Quốc đã chính thức ký lại Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài). Điều này mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, không hạn chế đối tượng như Bản ghi nhớ đặc biệt trước đó (chỉ chấp nhận lao động có chứng chỉ tiếng Hàn, có hồ sơ làm việc tại Hàn Quốc, lao động về nước đúng hạn).

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, Bản ghi nhớ lần này có hiệu lực trong 2 năm, cho phép Việt Nam đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc trong nhiều lĩnh vực. Nếu hai bên hợp tác tốt và không bên nào có ý định dừng lại thì hiệu lực của Bản ghi nhớ có thể sẽ kéo dài hơn. Hiện nay, Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng khoảng 52.000 lao động nước ngoài.

Chỉ tiêu này chia đều cho 15 quốc gia đưa lao động sang làm việc tại đây. Như vậy, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam khoảng 3.500 chỉ tiêu sang làm việc trong năm 2016. Hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc có thể tăng thêm nếu số lượng lao động bất hợp pháp tại nước này tiếp tục giảm. Theo thống kê, hiện còn khoảng 15.000 lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Siết chặt công tác tuyển chọn

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ    LĐ-TB&XH) Tống Hải Nam phân tích, mấy năm gần đây, Hàn Quốc chỉ thực hiện Bản ghi nhớ đặc biệt với Việt Nam do tỷ lệ lao động bỏ trốn quá cao. Điều này không những ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của lao động Việt Nam mà còn khiến nhiều người mất đi cơ hội xuất cảnh. Nếu tính tương quan với các thị trường xuất khẩu lao động khác, Hàn Quốc là nước có mức lương trung bình khá hấp dẫn, từ 1.000-1.500 USD/tháng. Do đó, lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng cần về nước đúng hạn để tạo cơ hội cho những người khác.

Ông Doãn Mậu Diệp khẳng định, việc Hàn Quốc ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nguy cơ Hàn Quốc sẽ hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam vẫn có thể quay trở lại nếu kịch bản lao động bỏ trốn lại tái diễn. Do đó, việc ký kết lại Bản ghi nhớ thông thường không đồng nghĩa với việc dừng triển khai các chính sách, biện pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp.

Bộ LĐ-TB&XH vẫn tiếp tục triển khai chính sách ân hạn đối với lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời gian từ 1-5-2016 đến hết ngày 30-9-2016 mà Chính phủ vừa thông qua. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác quản lý lao động tại Hàn Quốc thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ khi người lao động gặp rủi ro, hướng dẫn thủ tục chuyển chủ, chấm dứt hợp động về nước… Bộ sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn lao động tại các tỉnh, thành phố có số lao động bỏ hợp đồng hoặc cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao.

Cảnh báo lừa đảo XKLĐ Hàn Quốc 

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, Hàn Quốc là thị trường lao động hấp dẫn nên nhu cầu đi làm việc của người lao động khá cao. Để hạn chế việc bị lừa đảo hoặc thu phí cao, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình EPS tại các trang thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ sẽ công khai các thông tin về thời gian, phương thức kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề, các tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, kết quả kiểm tra, các khoản chi phí phải đóng góp để người lao động biết. Người lao động không nên nghe thông tin không chính thống và nộp tiền qua trung gian.