Rợn người đi trên những cây cầu máng tử thần

ANTĐ - Chỉ vì muốn rút ngắn quãng đường, tiết kiệm thời gian, nhiều người dân liều lĩnh đi xe máy trên những cây cầu máng, vốn là công trình thủy lợi, chỉ rộng 1m, dài hun hút và không có lan can. Nhiều vụ tai nạn rơi xuống sông chết đuối thương tâm đã xảy ra.

Theo xác nhận của ông Lê Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ngày 3-1, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1988, trú tại thôn Hà Nhuận, xã Duy Phước) điều khiển xe máy chở theo 2 con nhỏ đi đám giỗ nhà họ hàng ở TP. Hội An.

Khi quay về theo đường cầu máng (nối 2 xã Duy Phước và Duy Vinh của huyện Duy Xuyên), đến giữa cầu, xe chị Lan bị mất lái và rơi xuống sông Thu Bồn. 

Một người dân ở gần đó thấy mẹ con chị Lan rơi xuống sông liền gọi người đến cứu. Lúc này, anh Dương Văn Chúng (SN 1978, trú tại xã Duy Vinh) đang ăn trưa nghe tiếng kêu cứu liền chạy ra cùng một số người dân giăng lưới vớt được 3 mẹ con chị Lan.

Mặc dù đã tích cực sơ cứu nhưng chị Lan đã tử vong sau đó, 2 con của chị may mắn thoát chết.

Rợn người đi trên những cây cầu máng tử thần ảnh 1

Chị Lan đã rơi xuống sông tử vong, khi đi qua cầu máng này

Theo quan sát, cầu máng được lát bằng những tấm đan bê-tông nhưng một số vị trí tấm đan hỏng được sửa lại nhô cao hơn mặt cầu. Có chỗ tấm đan hỏng chưa sửa được thì lộ ra khoảng trống. Chính những vị trí đó là nguyên nhân khiến xe chị Lan bị mất thăng bằng và xảy ra tai nạn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Sành, Phó chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, cầu máng nói trên là công trình thủy lợi dùng để dẫn nước từ trạm bơm điện 19/5 xã Duy Phước về tưới cho xã Duy Vinh, được xây dựng từ năm 1993.

Ban đầu, cầu máng được làm bằng thép, đến năm 2000 nâng cấp thành cầu bê-tông. Cầu rộng khoảng 1 mét, dài gần 400 mét và không có lan can hai bên. Mặc dù cầu máng này chỉ có công năng dẫn nước thủy lợi, không kết hợp giao thông nhưng nhiều người dân vẫn thường xuyên sử dụng để đi lại hàng ngày.

Cách cầu máng khoảng 1 km về phía hạ lưu có một cây cầu dân sinh kiên cố, đó là cầu Hà Tân. Đường dẫn 2 bên cầu đều đã được bê-tông hóa, giao thông thuận lợi. Thế nhưng, chỉ vì muốn rút ngắn đoạn đường 3-4km mà nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi qua cầu máng.

Trước đây, địa phương đã lập rào chắn không cho người dân qua lại cầu máng, nhưng không được bao lâu, người dân tự ý tháo rào chắn để lưu thông qua cầu. Thấy dân ta đi lại, nhiều du khách nước ngoài cũng bắt chước đi theo bất chấp nguy hiểm.

Những người dân sống tại đây cho biết, 20 năm từ ngày xây dựng đến nay, đã có gần 10 người đi qua cầu máng bị rơi xuống sông chết đuối.  

Trên địa bàn tỉnh, ngoài cây cầu máng ở Duy Xuyên còn có một cây cầu máng khác ở huyện Núi Thành cũng nguy hiểm không kém. Đó là cầu máng dẫn nước thuộc tuyến kênh N3 của hệ thống thủy lợi Phú Ninh từ địa phận xã Tam Xuân 1 vượt sông Trường Giang chảy vào xã Tam Tiến. “Vĩnh biệt” - tên của cây cầu ở xã Tam Tiến đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân.

Rợn người đi trên những cây cầu máng tử thần ảnh 2

Người dân lập miếu thờ tại khu vực cầu máng nối từ xã Duy Phước đến Duy Vinh

Cũng như cầu máng Duy Vinh, cầu máng Tam Tiến đã khiến gần 100 người bị rơi xuống sông, trong đó có 18 người thiệt mạng.

Cầu máng Tam Tiến được xây dựng từ năm 1985, bắc qua sông Trường Giang, dài hơn 300 m, với mục đích ban đầu là đường dẫn nước phục vụ cho nông nghiệp. Sau đó do địa bàn xã Tam Tiến bị ngăn cách nên người dân dùng để đi lại và cái tên cầu Máng hình thành.

Vì là đường dẫn nước nên chiều ngang của cây cầu chỉ là 0,8 m, đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Dù có biển cấm xe máy, người dân 2 xã Tam Tiến và Tam Xuân 2 vẫn hàng ngày phóng xe qua lại.

Vài năm trước, do có quá nhiều người bị ngã rơi xuống sông nên chính quyền đã xây dựng lan can cùng với dây cáp bảo vệ nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Anh Nguyễn Văn Thủy - trú thôn Trung Đông, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành nói thêm: “Tại cây cầu máng này, ban ngày đã nguy hiểm rình rập rồi, về ban tối nhiều hôm tôi còn thấy có người đi qua đây mà có chút men, đi qua chỉ cần trật bánh xe một tý là rất dễ rơi xuống sông. Tối khuya không ai thấy mà cứu”

Vì liên tục xảy ra tai nạn chết người nên công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam đã đầu tư kinh phí để nâng cấp, lắp đặt thêm lan can, dây văng. Đơn vị này cũng lắp đặt cổng khống chế chiều cao và lắp tấm biển khuyến cáo sự nguy hiểm và cấm đi xe máy cho người dân biết.

Tuy nhiên cấm thì cứ cấm, sợ thì vẫn sợ, người dân đi vẫn cứ đi bởi họ không còn lựa chọn nào khác. Bởi nếu qua cầu sẽ rút ngắn được một khoảng đường dài chừng 10 km so với việc phải đi đường vòng.

Để không còn cảnh chết oan vì rơi sông, có lẽ chính quyền địa phương phải đưa ra những biện pháp ngăn chặn người dân đi qua cầu máng một cách quyết liệt hơn. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng cầu đường bộ đúng tiêu chuẩn ở vị trí thích hợp cho người dân băng qua sông.

Về phần mình, người dân phải có ý thức chấp hành các quy định, cảnh báo để tự bảo vệ tính mạng cho chính bản thân mình. Tránh nỗi đau "Nhanh một phút, chậm cả đời".