Roi vọt không giúp trẻ nên người

ANTĐ - Do con  trai nhiều lần trốn học đi chơi điện tử nên người cha đã lột quần áo và trói con vào cột điện trước cửa nhà trong cái lạnh 15 độ C. Vụ việc xảy ra ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ngược đãi trẻ em…

Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục 

(Ảnh minh họa)

Quyền lực hay sự bất lực?

Sự việc xảy ra vào ngày 21-2, trong lúc làm nhiệm vụ tại một xã thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, Đội Thanh tra giao thông đã phát hiện một cháu bé khoảng 13 tuổi bị lột trần truồng và trói vào cây cột điện trước cửa nhà. Khi tổ công tác quay lại, một người đàn ông nhận là bố cháu bé chạy ra cởi trói cho con và giải thích nguyên nhân dẫn tới “hình phạt” trên là do con trai trốn học đi chơi điện tử. Theo người đàn ông này, hình phạt nhằm mục đích khiến con thấy xấu hổ với bạn bè không dám trốn học đi chơi nữa.

 Trước đó, cháu B.X.T, 11 tuổi, ở huyện An Dương, Hải Phòng cũng bị bố đẻ đánh đập dã man nhiều lần. Và trong một lần T mắc lỗi, người bố đã bắt bé T cởi trần truồng rồi dùng dây điện có lõi bằng đồng quật vào người con. Khi được phát hiện, khắp người cháu bé đã chi chít vết bầm tím, sưng tấy. Nghiêm trọng hơn, theo lời kể của cháu T, có lần cháu còn bị bố nhốt vào nhà vệ sinh sau nhà và bắt ăn phân người?!

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, cuối năm 2012, khi bố mẹ chia tay nhau, cháu N.A.T (sinh năm 2002) sống với cha và mẹ kế ở thành phố Quy Nhơn. Trong khoảng thời gian sống chung, T luôn phải hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết. Cháu thường xuyên bị mẹ kế và cha dùng roi tre đánh vào đầu, chân, tay, lưng, mặt nhưng lại đe dọa không được nói với ai. Sau khi sự việc được phát hiện, cháu T đã được các ban ngành liên quan ở địa phương làm thủ tục để đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trước những sự việc đau lòng trên, nhiều bậc cha mẹ đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc của mình. Chị Lê Hương Giang, ở phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình chia sẻ, trời lạnh như vậy đến ngồi trong nhà còn rét huống hồ lại bị lột trần đẩy ra đường. Trong tình trạng này, người lớn còn không chịu được chứ nói gì trẻ con.

Theo chị Giang, việc con cái hư phải dạy là điều cần thiết, song cách dạy dỗ bạo tàn thế này chỉ phản khoa học. “Khi làm việc này, người cha chắc nghĩ mình đang có quyền lực ghê gớm lắm với con cái nhưng thực chất ông ta đang thể hiện sự bất lực. Bất lực trong việc kéo con ra khỏi những trò chơi vô bổ, trong việc định hướng, chỉ ra cho con lối đi đúng đắn, bất lực trong phương pháp giáo dục. Thật đáng buồn khi cái suy nghĩ “yêu cho roi, cho vọt” vẫn còn tồn tại trong đầu một số người” - chị Giang thở dài.

Tuy vậy, vẫn có một vài người tỏ ra thông cảm với kiểu dạy dỗ trên. Anh Lê Huy Thành - một kỹ sư xây dựng ở quận Thanh Xuân thể hiện quan điểm, trẻ con càng ngày càng khó dạy, nếu không nghiêm khắc chúng sẽ “nhờn”.  Cha mẹ nào cũng yêu con nên khi phải đánh đập chúng họ cũng đau lòng lắm. Tuy vậy, chỉ có biện pháp mạnh mới có thể đưa những đứa trẻ cứng đầu vào khuôn khổ được.

“Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”

Có thể nói ở nước ta, quan điểm dạy trẻ bằng đòn roi đã ăn sâu vào suy nghĩ của không ít người. Trong khi đó các số liệu thống kê cho thấy, phần lớn những đối tượng có hành vi phạm tội nghiêm trọng thường có tuổi thơ khá dữ dội: bị cha mẹ bạo hành ngược đãi, gia đình không đầy đủ, bị hãm hiếp hay lạm dụng tình dục, sức khỏe… 

Về vấn đề trên, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, ở một số nước phát triển như Mỹ, Anh, cá nhân nào, kể cả cha mẹ bị phát hiện dùng vũ lực để hành hạ, ngược đãi trẻ thì có thể sẽ phải ngồi tù đồng thời sẽ bị tước quyền nuôi dạy con cái vĩnh viễn. Còn ở Việt Nam, chế tài xử lý đối với những hành vi này còn chưa đủ mạnh. Cách giáo dục trẻ theo kiểu “dạy cho chúng một bài học”, khiến chúng cảm thấy nhục nhã và xấu hổ với bạn bè, hàng xóm là điều tối kỵ. Bởi, trẻ con cũng có sĩ diện, có lòng tự trọng. Những trận đòn roi, những lần bị làm nhục sẽ để lại trong ký ức trẻ một vết hằn khó phai mờ. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

Trẻ em là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển trí tuệ, thể chất, chưa có khả năng để ngay lập tức nhận rõ đúng, sai nên người lớn không thể áp đặt lối suy nghĩ của mình vào hành động của trẻ được. Do vậy, khi trẻ bị sa đà vào các trò chơi vô bổ như điện tử, cha mẹ không nên dùng vũ lực ép con phải dừng ngay mà điều quan trọng nhất là biết quản lý thời gian của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dành thời gian để gần gũi, tâm sự với con, phân tích cho con hiểu tác hại của những trò chơi, thú vui này giúp chúng có thể từ bỏ dần dần. Sự quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ sẽ là động lực lớn nhất giúp trẻ đi đúng đường, kéo chúng ra khỏi những tệ nạn xấu mà chúng đã lỡ sa chân.

Còn theo ông  Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu như trong Hiến pháp hiện hành, Điều 65 chỉ quy định: “Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” thì trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Điều 40 bổ sung, sửa đổi Điều 65 quy định rõ: “1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Như vậy có nghĩa là: Từ chỗ bị động, được ban phát, trẻ em đã được tự chủ, được Nhà nước, xã hội thừa nhận “quyền ” của mình. Đây là điều khác biệt cơ bản về chất, tiến bộ hơn hẳn của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Và đương nhiên, khi trẻ em “có quyền” thì mọi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền đó (ngược đãi, đánh đập, hành hạ, lạm dụng, bóc lột… trẻ) như việc lột trần truồng trẻ bắt đứng ngoài trời lạnh, bắt trẻ lao động nặng nhọc… đều sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Do đó, ông Tiến hi vọng sau khi Hiến pháp mới được thông qua, những hành vi làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em sẽ có chiều hướng giảm và những vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em không còn diễn ra và gây nhức nhối trong dư luận nữa.