Rời hệ thống bảo hiểm xã hội - hưởng một lần, lại lo cả đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc rời bỏ “lưới” an sinh xã hội. Thời gian đặt bút ký đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ mất chưa đến 1 phút, số tiền nhận về có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng người lao động đã mất đi điểm tựa cho tuổi già.
Hệ thống bảo hiểm xã hội cần được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng

Hệ thống bảo hiểm xã hội cần được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng

Tăng đột biến do Covid-19

Thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra rằng, số người nhận bảo hiểm xã hội một lần vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến hết tháng 10-2021, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã giải quyết cho khoảng 701.939 người hưởng chế độ này, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Dưới góc độ triển khai chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều lao động phải nghỉ việc. Đến nay, người lao động đã nghỉ việc đủ 12 tháng nên làm thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, cũng có một bộ phận nhỏ người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng bảo hiểm xã hội lúc trẻ để khi về già có lương hưu.

Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước. Độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi. Bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019. Tỉ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới. Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là những người lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội (trung bình chiếm khoảng 97%).

Hưởng lương hưu tối ưu quyền lợi

Chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có chế độ hưu trí, nhằm giúp người lao động khi hết tuổi lao động có lương hưu để bảo đảm cuộc sống. Đây cũng là sự chia sẻ giữa người lao động, doanh nghiệp và nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Bảo hiểm xã hội đem lại cho người lao động những lợi ích mà không một khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được.

Phân tích thiệt hơn khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hộiViệt Nam) Đỗ Ngọc Thọ cho hay, khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014, và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng sau 2014.

Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau 2014. Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, nếu thu nhập của người lao động là 5 triệu/tháng thì quỹ bảo hiểm xã hội thu được 1.275.00 đồng. Trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng, người sử dụng lao động đóng 875.000 đồng.

Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội an sinh của tuổi già, độ tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. Rất nhiều người khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần lại muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng không thể được.

Điều đó có nghĩa là, khi tham gia bảo hiểm xã hội với việc bỏ ra số tiền 8% thu nhập hàng tháng, người lao động được hưởng tất cả lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, người lao động nhận được với mức thu nhập đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.

Đối với người lao động tự do, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện người lao động có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng).

Như vậy, với tỷ lệ đóng hàng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (Nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia bảo hiểm xã hội còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời.

Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội an sinh của tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. Rất nhiều người khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần lại muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng không thể được.

Sửa chính sách gần với thực tế

Số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong những năm qua có xu hướng gia tăng đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Dưới góc độ đơn vị tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giúp họ giải quyết được một số khó khăn trước mắt.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đã đánh mất cơ hội an sinh của tuổi già. Người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an nhiên, chủ động cuộc sống bên con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe bản thân trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Để giữ người lao động lâu dài với hệ thống an sinh xã hội, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cần được tiến hành đồng bộ, toàn diện. Hệ thống bảo hiểm xã hội cần được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, ngoài ra cũng cần tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để người lao động có thể tiếp cận và thụ hưởng chế độ hưu trí.

Là cơ quan xây dựng chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này là xem xét về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm. Việc sửa đổi này vừa đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động và khắc phục được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.