Rối bời đổi mới chương trình, sách giáo khoa

ANTĐ - Dự thảo Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông vừa được Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đưa ra tham vấn các chuyên gia giáo dục. Phân tích nhiều chiều cho thấy đều nhất trí ủng hộ đổi mới nhưng cụ thể thế nào thì vẫn đang bàn cãi.

Đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ làm giảm áp lực với các thí sinh

10 năm để đổi mới là quá dài

Theo lộ trình thực hiện đổi mới của dự thảo đề án Chương trình, Sách giáo khoa (CT,SGK) đưa ra thì năm 2014 - 2015 sẽ hoàn thành cơ sở khoa học cũng như chuẩn bị các nguồn lực xây dựng, biên soạn thẩm định CT và SGK, biên soạn SGK thử nghiệm các lớp 1, 6 và 10. Giai đoạn 2016 - 2022, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành CT - SGK mới và tiếp tục biên soạn thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại. Như vậy đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (8 năm nữa). Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng có thể sẽ phải kéo dài đến năm 2024. 10 năm để chúng ta làm một sự thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quãng thời gian quá dài. Thời gian đó có thể có đến 2, thậm chí là 3 vị bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục”. PGS Văn Như Cương đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này, trong đó có giải pháp viết SGK tập trung.

Theo PGS, cách làm này sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần theo cách làm việc riêng rẽ. Đồng thời, PGS cũng đề nghị nên thay sách đồng loạt ngay từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ mất 1 năm, thay vì thay sách kiểu “cuốn chiếu” mất tới 5 năm.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (UB VHGD) băn khoăn: “Đề án cho biết do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học, kỹ thuật… thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 – 6 năm, thậm chí ngắn hơn. Thông tin này chắc chắn sẽ làm nhiều người lo lắng vì một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm với rất nhiều công sức và chi phí mà tồn tại trong khoảng thời gian 5 - 6 năm thì rất lãng phí”. Đồng tình với vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị rút ngắn lộ trình thực hiện đề án đến hết tháng 6-2019 phải hoàn thành việc Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về kế hoạch và nội dung triển khai thực hiện CT và SGK mới. 

Chưa rõ một hay nhiều bộ SGK

Góp ý vào đề án đổi mới CT, SGK phổ thông, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đề án mới chỉ đưa ra một chủ thể là Bộ GD-ĐT hoặc Ban Chỉ đạo đổi mới CT, SGK các cấp thực hiện toàn bộ công việc; không thấy có sự tham gia của xã hội ngoài việc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, cơ sở giáo dục. “Thậm chí đề án còn sử dụng thuật ngữ “ban hành”  SGK mới như ban hành văn bản pháp quy. Cứ theo đề án này thì không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ SGK” – GS Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB VHGD cũng tán thành nên có một chương trình chuẩn, chi tiết và nhiều bộ SGK. “Quyết định này phải được đưa vào nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, sẽ sửa luật” - ông Đào Trọng Thi cho biết. Cũng theo GS Đào Trọng Thi, hiện có nhiều ý kiến ủng hộ theo hướng dù có nhiều bộ SGK nhưng phải có một bộ SGK chuẩn do nhà nước biên soạn và ban hành. Tổ chức, cá nhân có quyền biên soạn cả bộ hoặc một số cuốn SGK khác mà họ thấy cần thiết. Tuy nhiên, tất cả những cuốn SGK trước khi được lưu hành đều phải được Bộ GD-ĐT thẩm định.

PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm UB VHGD cho rằng giáo viên và cơ sở vật chất là 2 yếu tố cấu thành chất lượng. Vì vậy, để thực hiện được đề án đổi mới CT, SGK, cần có 2 đề án song song khác là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai SGK mới. PGS Trần Thị Tâm Đan cũng băn khoăn về tài chính khi giáo dục vẫn ở mức 20% ngân sách mà đáp ứng đổi mới sẽ rất khó. “Nên xây dựng một đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng những đề án cụ thể” - bà Trần Thị Tâm Đan đề nghị.