Rộ trào lưu "săn" sản vật quê, trồng rau sạch

ANTĐ - Chỉ cần tìm kiếm trên Google từ khóa “thực phẩm sạch”, chỉ trong chưa đầy 1 giây, máy tính đã cho ra gần 1 triệu kết quả. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân đang tăng lên nhanh chóng.
Rộ trào lưu "săn" sản vật quê,  trồng rau sạch ảnh 1

Nhiều gia đình đã tận dụng khoảng không gian trống để trồng rau sạch

“Săn” tìm thực phẩm quê

Tại các thành phố, trong khi một số gia đình tận dụng khoảng không gian trống trên sân thượng để trồng rau, nuôi gà, thì nhiều người khác lại “săn tìm” thực phẩm từ các miền quê để đảm bảo bữa ăn gia đình luôn “sạch”. Gần 3 năm nay, chị Thanh Phương (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) chỉ sử dụng nguồn thực phẩm từ Hà Giang gửi xuống. Từ rau, thịt, trứng… thậm chí là cả gạo đều được chị nhờ người thân ở quê mua hộ đều đặn 1 tuần/lần.

Chị Phương chia sẻ: “Không nói về giá cả, vì ở quê bao giờ cũng rẻ hơn thành phố, cái chính là mình thấy yên tâm bởi đồ quê luôn ngon và sạch… Hơn nữa, lâu lâu lại thấy thông tin chỗ này ngộ độc thực phẩm, chỗ kia bắt được thực phẩm không nguồn gốc, rồi thì rau củ phun thuốc kích thích nên bây giờ gia đình mình chỉ dùng thực phẩm từ quê gửi xuống thôi”.

Chị Phương cho biết, những năm trước, gia đình chị chỉ nhờ người thân gửi thịt, trứng và ít rau củ quả, còn gạo thì chị thường vào siêu thị để mua. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi chị vẫn chưa hài lòng nên đã quyết định mang luôn gạo quê xuống phục vụ nhu cầu của cả gia đình.

Không chỉ riêng gia đình chị Phương, nhiều bà nội trợ cũng rỉ tai nhau “săn” tìm các nguồn thực phẩm quê. Nắm bắt được nhu cầu này, anh Hoàng Kiến - nhân viên văn phòng một công ty chuyên về máy tính nằm trên đường Hoàng Văn Thái đã lập tức gọi điện về quê, nhờ người thân tìm mua hàng loạt thực phẩm “Made in Yên Bái” gửi xuống. 

Lúc đầu chỉ là vài con gà, ít thịt lợn đen, rồi dăm chục cân gạo để lại cho bạn bè, người quen. Sau này quen khách, mùa nào thức đó, anh Hoàng Kiến lại gọi điện về nhờ người nhà gửi xuống bán. Và trước khi lấy hàng, anh Hoàng Kiến đều thông báo trên mạng xã hội để mọi người cùng biết. Vậy nên, chỉ sau vài giờ, nào rau, nào thịt và cả trứng trong nhà đều… “sạch bách”.

Chị Đỗ Hằng, chủ quán ăn trên phố Hoàng Ngân cũng là một người “thức thời”. Quán của chị được nhiều người biết đến bởi những món ăn mang đậm chất dân tộc, hơn nữa, nguồn thực phẩm chính của quán lại đến từ trang trại của gia đình nên mỗi lần vợ chồng chị thông báo có thịt lợn mán hay rau củ quả từ trang trại thì chỉ trong nháy mắt, quán đã đông nghịt người.

Nhiều khi, số thực phẩm mà vợ chồng chị Hằng mang về không đủ cung cấp, chị phải lấy cả phần định mang biếu ông bà nội, ngoại để trả trước cho khách… Chị Trần Trang, sống ở khu đô thị Trung Văn chia sẻ: “Mua thực phẩm từ các nguồn này toàn đồ sạch, ngon, lại không phải mặc cả, mất thời gian ra chợ, giá cả thì chỉ nhỉnh hơn một chút”. 

Lập hội trao đổi thực phẩm sạch trên mạng xã hội

Lo sợ thực phẩm “bẩn” lọt vào bữa cơm gia đình, không ít bà nội trợ sau khi “săn” tìm được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình còn tập hợp lại, cùng nhau lập trang mạng xã hội như: Hội các mẹ trao đổi thực phẩm sạch vì sức khỏe con yêu, Hội trao đổi thực phẩm sạch, an toàn... với lời kêu gọi “Hãy chia sẻ những thực phẩm tin cậy hoặc địa chỉ cung cấp thực phẩm tin cậy an toàn cho sức khỏe con yêu, hãy hành động bằng chính trái tim và tình mẫu tử của mình…”.

Tại những trang mạng xã hội này, ngoài việc thông tin về địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch, nhiều thành viên còn đăng tải những bức ảnh vườn cây ăn quả và cả những luống rau để chứng minh thực phẩm mình cung cấp là an toàn. Bên cạnh đó, giá cả từng loại rau, củ quả đều được các thành viên công khai. Nhiều thành viên thậm chí còn chia sẻ những sản phẩm do chính tay mình làm với lời cam kết “sạch 100%”.

Những lời cam kết của các thành viên cũng như sản phẩm được trưng bày trên các diễn đàn này đều thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế lại không có nhiều người quyết định mua những sản phẩm này. Cũng chưa thể khẳng định được thực phẩm quê hoàn toàn là sạch và an toàn, tuy nhiên trước tình trạng thực phẩm bẩn, nhiễm độc tràn làn thì việc lựa chọn các nguồn thực phẩm quê là lựa chọn “tối ưu” của nhiều bà nội trợ.