“Rõ chú hoa man khéo vẽ trò”

ANTĐ -Có lẽ, giờ bọn trẻ ít biết đến những hình ảnh “ông tiến sỹ giấy, hay ông nghè, ông đánh gậy” trong đồ chơi trung thu dân gian xưa

Đó là món quà trung thu ý nghĩa đối với những em học sinh của một thời đã xa. Khi xưa, với nguyện ước con cái đỗ đạt, người lớn trân trọng tặng cho bọn trẻ món quà là ông tiến sỹ giấy để gửi gắm chuyện học hành cho con trẻ.

Giờ thì những hình ảnh làm ra đã đi vào dĩ vãng bởi sự tràn ngập của đồ chơi ngoại nhập, tân thời. Không phải cứ hoài cổ là tốt, nhưng với đồ chơi trung thu dân gian nói riêng, nó ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa cho một đêm rằm trăng tỏ với các em nhỏ. 

Trò chơi trung thu: "ông đánh gậy" do chị Tuyến làm

Giờ thì những hình ảnh về trò chơi dân gian đã gần như không có trong đầu những lớp trẻ. Những ông tiến sỹ giấy hay ông nghè là hình ảnh lạ lẫm và xa rời với bọn trẻ hôm nay cũng là điều dễ hiểu. Song, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Trước hết phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những đồ chơi dân gian xưa mai một đi một phần có lỗi của người lớn rất nhiều. Người lớn dạy bọn trẻ từ những món quà, người lớn mang cho bọn trẻ hiểu thế nào là trò chơi dân gian, người lớn mang lại cho chúng những cỗ máy rô-bốt, những khẩu súng, thanh kiếm bạo lực chứ không phải con nít tự tìm kiếm cho mình được…

Còn về đồ chơi gian dân nói chung và đồ chơi trung thu nói riêng. Thử nhìn những đồ chơi dân gian bày bán ở thị trường hiện nay, đã thực sự là sản phẩm tâm huyết của người làm vì nghề chưa, đúng nghĩa với trò chơi dân gian chưa hay chỉ na ná một cách thô kệch, qua quýt. Người làm nghề xô bồ cùng với sự quay lưng của lớp trẻ, vì thế mà đồ chơi dân gian không còn cơ hội sống nữa. Lỗi đó không của riêng ai. Tôi từng được nhìn ông tiến sỹ giấy trong trò chơi dân gian xưa, và tận mắt chứng kiến ông tiến sỹ giấy đang có ngoài hàng mã thì cũng phần nào hiểu được nó không tồn tại trong đầu lớp trẻ. Sự tinh tế đường nét mỹ thuật trong trò chơi dân gian xưa có đủ, còn ngày nay thì chưa hội tụ được điều đó trong những thứ đang bày bán.

"Ông tiến sỹ giấy" trưng bày tại đình phố Hàng Đào

Nhà thơ Nguyễn Khuyến nói về sự tinh tế của đồ chơi dân gian ông tiến sỹ giấy, hay ông nghè ta đọc đoạn thơ cũng có thể cảm nhận đồ chơi xưa có hồn thế nào, và để đối chiếu đồ chơi nay thì mới thấy nó mai một cũng là điều khó tránh khỏi:

"Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!"

Hồn vía trung thu vắng đi bởi những đồ chơi dân gian vắng bóng. Người lớn thấy thiếu, chợt nhận ra dường như đã muộn. Mấy năm nay, phố cổ Hà Nội có 4 điểm tái hiện những mùa trung thu xưa qua các buổi dạy, trưng bày đồ chơi dân gian. Chị Nguyễn Thị Tuyến thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội nhiều đời làm đồ chơi trung thu dân gian đã được mời lên phố cổ để trưng bày và “truyền nghề” cho lớp trẻ. Nhưng ông tiến sỹ giấy, ông nghè, ông đánh gậy…chị Tuyến vừa làm vừa hướng dẫn, giảng giải về ý nghĩa của từng nhân vật. Đó là ý tưởng đáng khích lệ, thế nhưng mùa trung thu mỗi năm chỉ có một thì liệu công việc bảo tồn, giữ giàn trò chơi trung thu dân gian có còn “lửa” mà hun nóng nghề cho thế hệ trẻ tiếp theo?

Trong những ngày mở cửa trưng bày, giới thiệu và dạy nghề ở phố cổ, mặc dù biển hiệu bắt mắt nhưng tôi thấy lượt người đến được trên đầu ngón tay. Gian trưng bày mở cả ngày mà mãi cuối giờ chiều mới thấy một nhóm học sinh trường Tiểu học Hồng Hà được cô giáo đưa đến xem. Thế nhưng trong món đồ chơi ấy bọn trẻ cũng rất thờ ơ, chỉ đến khi cô giáo nhắc các em mới hướng mắt vào người giới thiệu “đây là ông tiến sỹ giấy, kia ông nghè, ông đánh gậy…”. Dưới đây là hình ảnh đồ chơi, và người làm ra đồ chơi được mời mang đến trưng bày và giới thiệu để gìn giữ đồ chơi dân gian.

Đồ chơi trung thu dân gian giờ thật lạc lõng và lạ lẫm với giới trẻ

Chị Tuyến giới thiệu với các em học sinh về ý nghĩa "ông nghè" 

Giờ học sinh mới biết thế nào là ông đánh gậy

Dịp giới thiệu đồ chơi dân gian của mình thế này thật hiếm hoi với chị Tuyến,
 và đây là lần đầu tiên kể từ khi chị làm nghề

Mặc dù không phải nằm trong cùng nhóm đồ chơi dân gian, nhưng chị Tuyến vẫn giới thiệu rất kỹ cho các cháu biết tấm bảng này là chiếc quạt giấy xưa kia nông dân dùng làm quạt thóc.

Chị Tuyến giới thiệu cách làm ông tiến sỹ giấy gồm vật liệu: giấy màu, nan tre, hồ dán cho các em nghe

Đêm rằm vơi em nhỏ thì không thể thiếu trò chơi rước đèn ông sao. Đó cũng là đồ chị Tuyến bán chạy hơn mặt hàng còn lại của mình

Ở một không gian giới thiệu và trưng bày tại phố Hàng Đào

"ông đánh gậy"

"ông tiến sỹ giấy"

Những đồ chơi dân gian như thế này giờ cũng không còn là lựa chọn của trẻ em nữa

Và mỗi mùa trung thu qua đi, những đồ dân gian dần vắng bóng.
Bởi sự tự thân cuốn hút lớp trẻ của đồ chơi giờ hạn chế rất nhiều