Rình rập dịch cúm chết người từ gia cầm

ANTĐ - Một loạt chủng cúm gia cầm trong nước, kể cả virus cúm chết người A/H5N1 đã tái phát thời gian gần đây. Trong khi đó, loại virus cúm gia cầm mới A/H7N9 đang gây dịch tại Trung Quốc cũng có thể tràn sang bất cứ lúc nào, khiến cho diễn biến các dịch cúm gia cầm chưa bao giờ trở nên dồn dập như hiện nay.
Rình rập dịch cúm chết người từ gia cầm ảnh 1
Gia cầm giống nhập lậu tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cúm. 

Cúm H7N9 có hay chưa?

Trước diễn biến hết sức nóng bỏng của các loại dịch bệnh cúm gia cầm đe dọa đến kinh tế và sức khỏe người dân, cuối tuần qua, trực tiếp Bộ trưởng 2 Bộ Y tế và NN&PTNT đã chủ trì cuộc họp với 33 tỉnh, thành trọng điểm (có đường biên giới) để bàn phương án phòng dịch. Tại cuộc họp này, ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã gây bất ngờ khi nhận định: “Biết đâu, ở Việt Nam, virus cúm A/H7N9 đã có trên gia cầm mà chúng ta chưa biết”. Ông Phu lý giải, vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức phức tạp, khó có khả năng ngăn chặn. Cùng đó, đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, lại có tính thích nghi rất cao.

Nhận định trên càng có cơ sở hơn khi báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù lượng gia cầm nhập lậu từ đầu năm 2013 đến nay đã giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng lại đang nổi lên tình trạng nhập lậu giống gia cầm, đặc biệt là vịt giống. Nguyên nhân vì giá vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc rất rẻ, chỉ 2.000-2.500 đồng/con, trong khi trong nội địa là 8.000 đồng/con. Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh làm trên 28.000 gia cầm mắc bệnh chết phải tiêu hủy. Gần đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên 177 con chim nuôi tại Tiền Giang và trên 4.000 con chim yến nuôi tại Ninh Thuận.

TS. Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y – Bộ NN&PTNT cho biết, qua khảo sát năm 2012, có đến 29/30 tỉnh được khảo sát phát hiện virus cúm A trên gia cầm và 20/30 tỉnh có virus H5N1 trên gia cầm. Đặc biệt, Cục Thú y phát hiện 2 mẫu vịt dương tính với virus cúm A tuýp H7 tại An Giang, Đồng Tháp và 6 mẫu virus H7 khác tại Cần Thơ và Hậu Giang. Dù kết quả phân tích gene cho thấy chưa có mẫu virus nào ở nước ta giống với virus H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc hiện nay nhưng đó là do tại thời điểm xét nghiệm chúng ta chưa chú ý đến việc tìm virus cúm H7N9. Do đó, Cục Thú ý dự kiến sẽ xét nghiệm lại khoảng 500 mẫu gia cầm (các mẫu có kết quả dương tính với cúm A) đã lấy trước đây để xem virus H7N9 có tồn tại hay không. Theo ông Đông, việc xét nghiệm này hiện đang được tiến hành và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, Cục Thú y sẽ chủ động lấy mẫu xét nghiệm virus H7N9 từ các nhóm gia cầm có nguy cơ gồm: gà đẻ thải loại, gà con giống, lợn và chim bồ câu… tại các chợ, điểm tập kết trung chuyển động vật, tại các địa phương khu vực biên giới để tiến hành xét nghiệm.

Vừa truy tìm, vừa phòng chống

Trong khi dịch cúm A/H7N9 vẫn rình rập xâm nhập bất cứ lúc nào thì các dịch cúm gia cầm trong nước, đặc biệt là cúm A/H5N1 đã tái xuất với hàng loạt ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang được ghi nhận. Đặc biệt, đầu tháng 4, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm do virus này gây bệnh trên chim yến tại Ninh Thuận và chim trĩ tại Tiền Giang. Các chuyên gia dự báo, số ca mắc cúm A/H5N1 trên người có thể sẽ tiếp tục gia tăng do ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm và chim vẫn xảy ra rải rác, việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước nguy cơ dịch đến từ nhiều phía, trong đó cả dịch cúm A/H7N9 lẫn cúm A/H5N1 đều được xác định là dịch cúm gia cầm. Do đó, để không có người bị bệnh thì mục tiêu quan trọng là phải phòng chống ngay trên đàn gia cầm, để không có gia cầm bị bệnh. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong trường hợp thấy cần thiết, Việt Nam sẽ thực hiện khuyến cáo của tổ chức thú y thế giới về việc tiêm phòng virus cúm H7 cho gia cầm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam hiện chưa phát hiện ca mắc cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy vậy, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch này tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế dự phòng, nhằm đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi, để đối phó với các dịch bệnh này thì không chỉ ngành y tế, NN&PTNT mà toàn hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc.

Tin cùng chuyên mục