Rét hại, tai nạn gia tăng

ANTĐ - Thời tiết rét đậm tại miền Bắc những ngày gần đây khiến số người phải nhập viện điều trị tăng đột biến, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Bên cạnh những trường hợp bị bệnh do cảm lạnh, rất nhiều trường hợp khác phải nhập viện do sơ suất trong lúc sưởi lửa, dùng túi sưởi hay mặc quần áo cho trẻ quá chặt… để chống rét.

Người Hà Nội đốt lửa sưởi ấm chống rét

Tăng bệnh nhân bỏng do sưởi ấm

Số bệnh nhân bỏng vào Viện Bỏng Quốc gia điều trị 1 tuần trở lại đây đã tăng đến 20-30%, trong đó nguyên nhân bỏng do bị tai nạn trong lúc sưởi lửa tăng cao nhất và cũng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Đáng chú ý là hoàn cảnh hết sức thương tâm của bệnh nhi Vi Thị Ơn, mới chỉ 6 tháng tuổi (ở Nghệ An), hiện đang phải điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Theo chị Tuân, mẹ cháu bé kể lại, tối 2-1, do trời giá rét nên chị đốt củi thành than bỏ dưới gầm giường để con nằm cho ấm. Khi đang làm cỏ ngoài vườn, chị nghe tiếng con khóc thét, vội chạy vào thì giường, chiếu, chăn màn đang bốc cháy. Chị vội gạt chiếc chăn đang cháy bế con ra nhưng cháu bé đã bị bỏng rất nặng. Gia đình đưa cháu đến trạm y tế sơ cấp cứu rồi chuyển ngay lên BV Nhi Nghệ An, do vết bỏng quá nặng nên cháu được chuyển tiếp xuống Viện Bỏng quốc gia. 

Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu - Viện Bỏng Quốc gia cho biết, bé Ơn tổn thương bỏng 50% ở mặt trước, thân chi, nặng nhất ở đùi phải, bỏng vùng miệng họng. Ngoài ra, bé còn bị suy dinh dưỡng, 6 tháng mà chỉ nặng 5kg. Hiện bé được truyền dịch, ủ ấm, nuôi dưỡng, thở ôxy..., đồng thời theo dõi bỏng hô hấp, sốc bỏng. Tuy nhiên, tình trạng vẫn rất nặng. 

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Viện Bỏng Trung ương, năm nào vào mùa rét, Viện Bỏng cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng do sưởi ấm mà nguyên nhân chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là của người lớn. Tại một số nơi vì không có điều kiện, nhiều gia đình đốt than, củi ngay trong nhà để sưởi ấm mà không lường trước hết được nguy cơ với trẻ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp vào điều trị bỏng do sử dụng các thiết bị hiện đại như túi sưởi, túi chườm nóng, quạt sưởi... Các thiết bị này khá tiện lợi song một vài trường hợp trong quá trình sử dụng, túi sưởi bị nổ, bị rò rỉ chất lỏng khiến nạn nhân bị bỏng phần da tiếp xúc. Đã có trường hợp trẻ bị bỏng nặng do túi sưởi tự phát nổ khi đang cắm điện sưởi. Ngay cả loại quạt sưởi vốn tương đối an toàn, song nếu người dùng vô tình chạm vào bề mặt tỏa nhiệt, cũng sẽ bị bỏng nhẹ. Bên cạnh đó, loại quạt này tạo ra môi trường khô, có thể gây tổn thương da, ảnh hưởng tới đường hô hấp của trẻ. 

Người già cần thận trọng

Cũng giống như trẻ em, thời tiết giá lạnh khiến lượng người cao tuổi đổ bệnh, phải vào viện điều trị tăng đột biến. Tại BV Lão khoa Trung ương, 1 tuần nay số người già vào khám không tăng song số phải nhập viện thì đã tăng gấp 2-3 lần so với bình thường bởi đa phần bệnh nhân vào cấp cứu vì tăng huyết áp, đột quỵ… Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh của BV cho biết, hầu hết bệnh nhân bị đột quỵ do trời lạnh là những người có tiền sử mắc các bệnh như: viêm nhiễm đuờng hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh liên quan đến tim mạch. Đại đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc đột quỵ thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước, do đó việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và quan trọng. Thực tế có những bệnh nhân đang rất khỏe mạnh, sáng dậy sớm đi thể dục, song vừa ra khỏi nhà đã bất ngờ bị đột quỵ, nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy kịch.

Theo GS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia,  thời tiết lạnh ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của bệnh nhân tăng huyết áp. Khi trời rét, các mạch máu co lại khiến huyết áp tăng, cơ thể bị mất nhiệt, các biến chứng có thể xảy ra. Khi đó, với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn. GS. Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, trong những ngày thời tiết rét đậm như hiện nay, người cao tuổi cần lưu ý ăn uống đủ chất, bớt rượu bia, ăn nhạt... để tăng sức đề kháng, đặc biệt uống đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. Đặc biệt cần chú ý mặc ấm, hạn chế đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa, không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Duy trì tập thể dục đều đặn, nhưng không nên ra ngoài mà vận động nhẹ nhàng trong nhà.