Rèn cũng có năm bảy đường

ANTĐ - Nhìn nét mặt ông sáng nay thần sắc kém tươi. Hình như có chuyện gì bức xúc? Không bức xúc sao được khi nhìn cảnh quay lan tràn trên mạng một cô giáo sa sả vào mặt học sinh như hàng tôm hàng cá, xưng hô mày tao chí tớ, đe dọa, xỉa xói học sinh đến phát kinh.


- Ông cũng biết cái cô “cung bọ cạp” ấy à?

- Trẻ con dẫu có ngỗ ngược thì phải có cách dạy bảo. Chứ cứ nổi đóa lên như cái cô “cung bọ cạp” thì phản giáo dục thật!

- Xem “cung bọ cạp” to tiếng, đau đầu lắm!

- Vẫn biết thế, nhưng những gì tiếp thu được hoặc bị ấn tượng ở lớp học - nhà trường sẽ là nền tảng nhân cách cho trẻ sau này. Ông bảo, ở trường tiểu học mà đã cho học sinh “tranh cử” vào các vị trí “lãnh đạo”, liệu có ổn không?

- Thì trẻ con hồn nhiên, trong sáng, mới tí tuổi ranh mà đã... tranh với giành. Chẳng hóa ra người lớn vô tình nhồi vào đầu chúng thói háo danh, chuộng quyền lực từ bé hay sao?

- Ấy thế mà bà nhà tôi còn bênh, cho rằng người ta “nặn” ra mô hình mới ở cấp tiểu học là để rèn tính độc lập, năng động, tự chủ cho trẻ.

- Ý tưởng thường là... tuyệt vời, song thiếu gì cách mà phải khoác lên đôi vai non nớt một thứ nặng trĩu như vậy.

- Có một tầm nhìn xa, trông rộng như ông là đáng quan tâm, lắng nghe. Tôi chỉ nhìn hạn hẹp thế này: nhiều đứa trẻ rất thích có được tí chức, tí quyền như làm “sao đỏ”, tổ trưởng, để ra oai, chỉ huy các bạn.

- Quan sát lũ trẻ tôi cũng nhận thấy bây giờ chúng khác ngày trước, tinh ranh, khôn ngoan hơn, song lại... thực dụng, già trước tuổi. Vì thế, người lớn chúng ta chớ nên làm hỏng những tâm hồn non nớt. Các cụ chẳng đã dạy: Rèn người cũng có năm bảy đường...