Rau xanh đắt “khủng khiếp”

(ANTĐ) - Đó là cảm nhận của hầu hết các bà nội trợ trong những ngày đầu tháng 7 này. Có loại rau tăng giá đến 5 lần so với cuối tháng 6 và mặt bằng giá này có thể duy trì trong 1-2 tháng tới.
 Nắng nóng làm nguồn cung rau khan hiếm
 Nắng nóng làm nguồn cung rau khan hiếm

Đã tăng giá còn bị “độn”

Chị Thuý (Nguyễn Văn Cừ - Long Biên) cho biết: “Tất cả các loại rau những ngày này đều tăng giá khủng khiếp. Tôi phải đắn đo lựa chọn làm sao đủ rau ăn cho cả gia đình và tiết kiệm nhất”. Chị Thuý hàng ngày mua thực phẩm tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên) và thấy “sợ” khi giá rau muống tăng mạnh từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/mớ. Mướp tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Tương tự, rau đay, mồng tơi cũng tăng giá thêm khoảng 20% so với cuối tháng 6, ở mức 4.000 đồng/mớ.

Theo chị Lê Mai (Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy), giá rau xanh tăng “khủng khiếp” từng ngày một. Dẫn chứng cho điều này, chị Mai cho hay, hiện giờ đang vào mùa của rau đay, mồng tơi, và mướp nhưng tại chợ Mỹ Đình, giá bán các loại rau trên bất ngờ tăng từ 1.500 đồng/mớ lên 5.000 đồng/mớ; mướp tăng gấp 5 lần, từ 6.000 - 7.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg. “Mớ rau được lèo tèo vài ngọn, có mớ còn bị “độn” thêm lá vàng, lá già ở giữa mà giá tăng vọt sau một đêm thế này, riêng tiền mua rau cho cả gia đình đã lên tới vài chục nghìn/ngày” - chị Mai thở dài.

Một tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam cho hay, giá rau tại chợ đầu mối cũng “nhảy vọt” thêm ít nhất 20-30% trong những ngày đầu tháng 7, nhất là với các loại rau “trái mùa”. Cà chua hiện được bán với giá 30.000 đồng/kg; cải xanh tăng giá gấp đôi ở mức 6.000 đồng/mớ mỏng quẹt; xà lách tăng từ 30.000 đồng lên 75.000 đồng/kg…

Tại một số chợ trung tâm thành phố hay khu vực đông dân cư như: chợ Thành Công, chợ Mơ tạm, chợ Nguyễn Công Trứ… rau xanh cũng tăng giá chóng mặt. Trước đây, người tiêu dùng chỉ phải bỏ ra 1.500-2.000 đồng để mua một mớ mồng tơi,  hoặc rau đay, nhưng hiện giờ, giá bán đã tăng lên 3.500 đồng/mớ; rau dền 6.000 đồng/mớ. Ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù giá cao song rau không ngon, nhiều loại già, cứng hoặc héo úa.

Theo phản ánh của nhiều bà nội trợ, giá thịt lợn và cá vẫn giữ nguyên mặt bằng như cuối tháng 6, nhưng giá gà, ngan, vịt làm sạch đã tăng thêm khoảng 10% so với trước đó.

Khan hiếm nguồn cung

Đây là lý do chủ yếu dẫn đến việc rau xanh đột ngột tăng giá mạnh trong những ngày vừa qua. Ông Nguyễn Duy Hồng - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện tại, một số loại rau bước vào thời điểm hết vụ, một số khác chậm phát triển do nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến nguồn cung khan hiếm. “Rau xanh không thể giữ giá khi hầu hết các mặt hàng đều biến động. Việc tăng giá trên về mặt tích cực cũng giúp người nông dân tái đầu tư, duy trì diện tích trồng rau” - ông Hồng nói. Cũng theo ông Hồng, diện tích trồng rau cung cấp cho Hà Nội không hề giảm trong thời gian vừa qua. Khoảng 1 tháng nữa, nguồn cung rau có thể dồi dào hơn bởi một số loại mới cho thu hoạch, thời tiết bớt nắng nóng. Khi đó, giá rau mới có thể “hạ nhiệt”.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Đông Cao, xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội, thời điểm này, các loại rau ăn lá khó sinh trưởng. Đặc biệt, thời gian gần đây, chiều tối thường có mưa giông lớn, khiến lá rau dập nát trong khi ban ngày nắng nóng gây hư hại, cháy lá. Theo ước tính của ông Hùng, năng suất rau thời gian gần đây giảm khoảng 25% do sự tác động của thời tiết. Bởi vậy, giá rau xanh nông dân bán tại ruộng đã tăng lên đáng kể so với trước đó. Ví dụ, cải ngọt hiện được bán với giá 18.000 đồng/kg, củ cải từ 7.000-8.000 đồng/kg, rau muống, rau dền cũng tăng đáng kể. Ông Hùng dự báo, do rau khó trồng, sinh trưởng kém, nên trong 2-3 tháng tới, người dân sẽ giảm bớt diện tích gieo trồng. Hiện đã là cuối vụ rau Hè, sang tháng 9, khi vào vụ rau Thu thì nguồn cung mới dồi dào, đa dạng trở lại.

Tin cùng chuyên mục