Rất khó thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh THCS và THPT

ANTĐ - Năm học mới, yêu cầu đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá không chỉ ở bậc tiểu học mà cả THCS và THPT được nhiều người trông đợi. Với cách đổi mới này, Bộ GD-ĐT mở cho các trường đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức như nghiên cứu khoa học, thí nghiệm, thuyết trình… thay cho các bài kiểm tra. 
Rất khó thực hiện đổi mới cách đánh giá học sinh THCS và THPT ảnh 1

Áp dụng hình thức học tập mới không đơn giản với các trường công lập

Tính điểm thực hành thay bài kiểm tra

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của học sinh, năm học này, các trường sẽ tăng cường đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh… trong dạy và học.

Đi đôi với yêu cầu này, các trường THCS, THPT sẽ phải triển khai việc đánh giá học sinh qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành”.

Về hình thức kiểm tra, Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu, từ dễ đến khó bao gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, mức độ cao nhất là học sinh vận dụng được các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn. Bộ yêu cầu tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng cao này.

Vẫn cần chấm điểm để khuyến khích các hoạt động học tập 

Có thể thấy yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá trong năm học mới với các trường THCS, THPT toàn quốc không đơn giản. Một giáo viên trường THCS ở Ba Đình tỏ ra lo lắng khi biết việc kiểm tra, đánh giá năm nay sẽ phải bao gồm các hoạt động đa dạng như nghiên cứu khoa học, lập dự án học tập, thí nghiệm, thực hành… để lấy điểm thay vì chỉ tiến hành kiểm tra 15 phút, một tiết như thông thường. “Với môn Toán, mỗi học kỳ giáo viên phải đảm bảo   2-3 đầu điểm kiểm tra một tiết, 4 đầu điểm kiểm tra 15 phút.

Môn Văn còn nhiều hơn với khoảng 6 bài kiểm tra một tiết và hơn 10 bài kiểm tra 15 phút… Nếu không được hướng dẫn cụ thể, giáo viên sẽ rất khó thực hiện, bởi công việc giảng dạy, kiểm tra, chấm bài hiện đã hết sức vất vả. Muốn thêm hoạt động phải bỏ bớt những yêu cầu cũ thì giáo viên mới có đủ thời gian thực hiện” - cô giáo này cho biết. 

“Sẽ rất khó cho các trường công lập khi điều kiện để tổ chức các hình thức học tập như Bộ GD-ĐT yêu cầu. Riêng việc tổ chức cho học sinh nghiên cứu, thực hành một đề tài trong môn học nào đó, giáo viên phải mất cả tháng để theo dõi và kiểm tra tiến độ của học sinh. Từ đó mới có thể đánh giá, nhận xét cho từng học sinh chứ không thể cho điểm bừa. Nếu giáo viên không làm việc cả ngày ở trường thì khó có điều kiện theo sát học sinh và triển khai các hình thức học tập kiểu này” - bà Trần Hải Yến, Giám đốc điều hành trường THCS Alpha cho biết. 

Tuy nhiên, bà Trần Hải Yến cũng phân tích: “Vẫn cần chấm điểm để khuyến khích các hoạt động học tập nhưng nếu chỉ sử dụng một cách thức như lâu nay là kiểm tra trên lớp thì không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Vấn đề là các trường có thể triển khai được hay không với một lớp học quá đông học sinh, kinh phí hạn hẹp. Chưa kể cần có sự nắm bắt, phối hợp từ phía phụ huynh”.

Năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT khuyến khích tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động góp phần phát triển năng lực học sinh. Hoạt động này bao gồm văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; thi thí nghiệm - thực hành; thi kỹ năng sử dụng tin học văn phòng; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi tiếng Anh trên mạng…

Việc tổ chức dựa trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập của học sinh. Bộ yêu cầu các địa phương không giao chỉ tiêu, không lấy thành tích của các hoạt động giao lưu nói trên làm tiêu chí để xét thi đua các đơn vị có học sinh tham gia.