Rạp hát, nhà văn hóa: Thừa mà thiếu

ANTĐ - Không chỉ các nhà văn hóa của khu dân phố, tổ dân phố, các phường xã… rơi vào cảnh xây xong rồi đóng cửa mà ngay cả nhiều địa chỉ văn hóa lớn, ở những vị trí “tấc vàng” trong lòng Thủ đô cũng thường xuyên ở cảnh chợ chiều. Người dân vẫn luôn than rằng không có chỗ vui chơi, giải trí, còn các cơ quan quản lý thì vẫn loay hoay mà vẫn không thu hút được công chúng đến đây.


Nhà hát thành nơi… bán phở

Vị trí đắc địa nhất hiện nay phải kể đến là Rạp Hồng Hà, ở 51 Đường Thành, thuộc quyền quản lý của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Giữa trung tâm thành phố sầm uất và chiếm một mặt tiền khá rộng nhưng hiện nay, ngoài 3 buổi diễn mỗi tuần và một vài buổi tập luyện, dàn dựng thì rạp hầu như đóng cửa im lìm.

Lý giải cho điều này, ông Phạm Văn Hoạt (Trưởng Ban quản lý Rạp Hồng Hà) cho biết, trước năm 2010, Rạp hoạt động khá tấp nập, hầu như tối nào cũng đỏ đèn. Lý do là thời điểm này, đa phần các nhà hát khác chưa có rạp để biểu diễn nên đây là địa chỉ tập luyện, biểu diễn của hầu hết các đơn vị nghệ thuật truyền thống trong thành phố như Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, các đoàn nghệ thuật quân đội, công an... Ngoài ra một số show truyền hình cũng thuê địa điểm tại đây, rạp hoạt động khá hiệu quả.

Tuy nhiên, từ sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhiều rạp mới ra đời với quy mô lớn hơn như Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, trước đó, một số khác được đầu tư cải tạo như Nhà hát Âu Cơ, Rạp Quân đội, Nhà hát Kim Mã… đã khiến lượng khách bị san sẻ. Rạp Hồng Hà giờ đây chỉ còn phục vụ cho các vở tuồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam với 3 buổi diễn mỗi tuần, trong đó có 1 buổi diễn tuồng truyền thống không bán vé và 2 buổi diễn phục vụ du lịch nhưng số vé bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khác với Rạp Hồng Hà là trường hợp Nhà hát Kim Mã, thuộc quản lý của Nhà hát Chèo Việt Nam. Phải nói, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay Nhà hát Kim Mã đã phải trải qua rất nhiều “truân chuyên”. Được hoàn thiện từ năm 1990, đến năm 1995 Nhà hát đã xảy ra hiện tượng lún nứt và đành phải “đắp chiếu” hơn 10 năm. Qua nhiều kỳ Quốc hội, kỳ họp nào cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) về nhà hát, cuối cùng thì Nhà nước cũng quyết định đầu tư 24,6 tỷ đồng để có được công trình này.

Nhà hát hoạt động trở lại vào năm 2007, mới đầu người ta còn thấy các poster quảng cáo vài vở diễn treo trước cổng Nhà hát nhưng giờ đây, khán giả cũng chẳng biết bên trong Nhà hát đang có hoạt động gì. Một tuần vài buổi biểu diễn thì rơi vào cảnh “vắng như chùa bà đanh”. Tìm đến Nhà hát Kim Mã, đập vào mắt người qua đường là cảnh khiến người ta khó liên tưởng đến một không gian nghệ thuật. Chình ình trước cổng Nhà hát là tấm biển to tướng “Phở gà ta Chợ lớn mỳ gia”, bên trong là la liệt bàn ghế và thực khách ra vào. Giải thích điều này, ông Nguyễn Ngọc Kình (Phó Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam) cho biết, trước đây, Nhà hát có cho một cá nhân thầu mặt bằng phần mặt tiền để kinh doanh nên mới xảy ra tình trạng phản cảm này.

Trường hợp của Nhà hát Kim Mã đã nhiều lần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhắc nhở nhưng đến thời điểm này những hình ảnh “chướng mắt” ấy vẫn chưa bị dẹp vì còn đang trong giai đoạn… chấm dứt hợp đồng với đối tác. Cơ sở vật chất khang trang mà không tận dụng hết thì thật lãng phí, nhưng tận dụng như kiểu Nhà hát chèo Việt Nam thì thật “khó giải thích” ở một đơn vị nghệ thuật truyền thống lớn...

Nhà hát, nhà văn hóa, sân chơi của khu dân cư... lần lượt trở thành

nơi bán phở, bãi gửi xe, địa điểm kinh doanh


Nhà văn hóa - xây rồi bỏ đấy

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, ngoài các nhà văn hóa quận huyện thì hầu hết từng xã, phường, khu phố, cụm, tổ dân cư, thôn xóm đều được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa để phục vụ cho các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hoá của người dân. Chúng tôi đã thử tìm đến một vài đơn vị sinh hoạt văn hóa nhỏ hơn để tìm hiểu xem tại sao người dân vẫn thiếu khu vui chơi giải trí. Nhà văn hóa phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) nằm trên một diện tích khá lớn, phải nói đây là điều kiện hiếm có trong thời điểm tấc đất tấc vàng như hiện nay. Khi chúng tôi có mặt thì toàn bộ dãy nhà 2 tầng là trụ sở nhà văn hóa đều đóng cửa im ỉm. Khu vực sân khá rộng rãi nhưng không một bóng người mà nơi đây đã biến thành… bãi gửi xe với hàng chục chiếc ô tô, xe máy. Khi hỏi một người dân ở đây, chúng tôi nhận được cái lắc đầu, “hầu như chẳng có hoạt động gì trong ấy, chúng tôi cũng chẳng mấy khi đặt chân vào”. 

Tương tự, nhà văn hoá khu dân cư số 6, phường Thịnh Quang cũng may mắn sở hữu diện tích hàng trăm mét vuông nhưng hầu như không có hoạt động gì. Quang cảnh nhà văn hóa này chẳng khác nào một ngôi nhà hoang, với những bức tường mốc meo, những cánh cửa đóng im ỉm và những ổ khóa hoen gỉ…

Đây không phải những trường hợp điển hình, nhiều nhà văn hóa khác mà chúng tôi đi qua cũng đều chung hoàn cảnh như vậy, nơi thì cửa đóng then cài, nơi thì cho thuê làm địa điểm kinh doanh, nơi thì thành bãi gửi xe. Khảo sát thêm tại một số địa điểm là sân chơi của các khu dân cư, tình trạng còn tệ hại hơn, hầu hết những nơi này đã được các cá nhân tận dụng thành nơi bày bán hàng hóa, nơi thì trở thành hàng ăn, quán nước, nơi lại là chỗ lý tưởng cho mấy chị hàng rau, hàng thịt… Tình trạng lấn chiếm không gian, rác thải, mất vệ sinh khiến trẻ em và những người có nhu cầu vui chơi, giải trí không muốn lui tới.

Những thực trạng này đã phần nào giải thích vì sao trẻ em của chúng ta luôn thiếu sân chơi. Hàng loạt nhà văn hóa xây rồi bỏ đấy khiến người ta nghĩ đến một phòng trào rầm rộ nhưng nặng về hình thức.


Khó tìm lời giải

Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình để thấy được nghịch lý thừa mà thiếu các điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí tại Hà Nội. Tìm đến Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để rõ thêm nguyên nhân, chúng tôi được một cán bộ văn hóa của Sở giải thích rằng, Sở chỉ quản lý các nhà văn hóa cấp quận, huyện, còn lại đã phân cấp quản lý, do đó hầu như ít nắm tình hình các nhà văn hóa cấp dưới. Có thực tế là ở các cấp dưới như phường, xã, khu, tổ dân phố… vẫn tồn tại những nhà văn hóa theo kiểu xây xong không hoạt động, hoặc hoạt động không đúng mục đích. Nguyên nhân là do địa phương đầu tư kinh phí xây được nhà văn hóa nhưng lại không hoặc chưa đầu tư các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, vì vậy không thu hút được dân chúng đến đây. Cán bộ văn hóa thiếu, yếu về chuyên môn, không tận dụng được phong trào văn nghệ quần chúng nên nhiều nhà văn hóa chỉ “xuân thu nhị kỳ” có các đoàn nghệ thuật đến thì mới mở cửa. “Cũng có nơi thì muốn xây một cái nhà là nơi diễn ra các hoạt động chung như hội họp, phổ biến chính sách, đám cưới, đám ma, vui chơi giải trí… nhưng họ lại không biết đặt tên cái nhà ấy là gì nên đành gắn biển Nhà văn hóa cho nó. Thành ra chính cái tên ấy không phù hợp với cái nhà, còn người dân thì lại bảo nhà văn hóa sử dụng không đúng mục đích” - vị cán bộ này cho biết.

Trường hợp các rạp hát thì khác, họ có đủ tất cả, có cơ sở vật chất hiện đại, có diễn viên chuyên nghiệp và các vở diễn được đầu tư kỹ càng, nhưng chỉ thiếu… khán giả. Ông Phạm Văn Hoạt than thở, dù những năm gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tìm đủ mọi cách tiếp cận và bắt tay với các công ty du lịch để kéo lượng khách du lịch về rạp nhưng đều nhận lại sự thờ ơ. “Không phải chúng tôi không biết làm kinh tế ở một vị trí đắc địa như thế này, nhưng khai thác các loại hình kinh doanh khác thì lại vi phạm nguyên tắc, mà theo đuổi mục đích phục vụ nghệ thuật truyền thống thì không khai thác hết công suất, rất lãng phí” - ông Hoạt phân trần. Ông Nguyễn Ngọc Kình cũng cho rằng, nguyên nhân khiến rạp xây ra mà không có người đến là do càng ngày khán giả miền Bắc càng mất thói quen tới rạp: “Trước đây còn bao cấp, phát vé miễn phí thì khán giả còn tới đông, nhưng bảo họ bỏ tiền ra mua vé thì khách chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Còn NSƯT Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn thì cho rằng: “Việc đầu tiên ban lãnh đạo của các nhà hát cần năng động. Cần thể hiện những bộ môn nghệ thuật truyền thống gần hơn với đương đại, có như vậy khán giả mới có thể tiếp cận được dễ dàng. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, truyền thông cho những môn nghệ thuật truyền thống cũng rất quan trọng. Các chương trình hay và đặc sắc nên được quảng bá rộng rãi, nhằm gây được sự chú ý tới khán giả”.

Nói thì vậy, nhưng nghịch lý thừa mà thiếu vẫn cứ tồn tại. Thừa cái gì và thiếu cái gì, liệu có dung hòa được giữa cầu và cung của “thị trường” văn hóa Việt Nam hay không, câu trả lời hẳn cần đến sự thực tế hơn nữa của những người làm văn hóa.