Rào cản tiếng Anh làm khó sinh viên Việt Nam

ANTĐ - Đầu tư 12 năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông nhưng đến khi vào đại học, số lượng sinh viên đáp ứng yêu cầu đầu vào sử dụng được tiếng Anh để học các chuyên ngành khác lại đếm trên đầu ngón tay. Bằng chứng là từ 3 năm nay, ĐH Việt Pháp chỉ tuyển được 150 sinh viên trên tổng chỉ tiêu của trường là 450 sinh viên. Giáo sư Patrick Boiron, Hiệu trưởng trường ĐH Việt Pháp, phải thừa nhận khó khăn mà trường này vấp phải là khi tuyển sinh viên biết tiếng Anh. 

Tiếng Anh đang là một trong những trở ngại chính để sinh viên tiếp cận với môi trường đào tạo quốc tế

- PV: Là trường ĐH Việt Pháp nhưng yêu cầu tuyển sinh đầu vào có trình độ tiếng Anh thay vì tiếng Pháp, giáo sư có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

Rào cản tiếng Anh làm khó sinh viên Việt Nam ảnh 2

- Giáo sư Patrick Boiron: Không quá ngạc nhiên khi trường là sự kết hợp giữa hai Chính phủ Việt Nam và Pháp nhưng lại lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giảng dạy học tập vì ngôi trường của chúng tôi được thành lập nhằm đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp ra trường phải được trang bị tốt nhất để có việc làm đúng với lĩnh vực đào tạo, trong khi nhu cầu giao thương quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước của Việt Nam đều rất cần tiếng Anh.

Ngay cả với Pháp, các doanh nghiệp lớn, công ty quốc tế đều sử dụng tiếng Anh trong công việc. Bởi vậy, sinh viên của chúng tôi bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh ngay từ khởi điểm vào trường. Tất nhiên trong quá trình học, sinh viên trường ĐH Việt Pháp có lợi thế học thêm ngoại ngữ tiếng Pháp bởi nhu cầu, cơ hội sang Pháp học tập, làm việc là rất lớn.

- Nhà trường có gặp khó khăn gì khi tuyển sinh viên Việt Nam có thể sử dụng tiếng Anh để theo học các môn chuyên ngành? 

- Quả thật để bước ngay vào môi trường đại học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính và là công cụ để học tập chuyên ngành khiến sinh viên Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Tôi biết là rất nhiều gia đình Việt Nam đầu tư cho con em mình học tiếng Anh nhưng thực tế, số học sinh phổ thông đáp ứng được yêu cầu đầu vào của trường chúng tôi không nhiều và còn kém xa so với quy mô đào tạo của trường. Thực tế, sau 3 năm tuyển sinh, chúng tôi mới chỉ tuyển được 1/3 số sinh viên so với chỉ tiêu là 450 sinh viên mỗi năm.

- Không chỉ ĐH Việt Pháp gặp khó khăn khi tuyển đầu vào có trình độ tiếng Anh. Hiện tại, nhiều trường ĐH Việt Nam đang có nhu cầu lớn trong việc tuyển sinh viên vào các chương trình chất lượng cao có đầu vào tiếng Anh nhưng đều không đạt được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Điều này có phải do chất lượng đào tạo ngoại ngữ của các trường phổ thông ở Việt Nam còn kém hiệu quả, thưa giáo sư?

- Tôi hoàn toàn chia sẻ những khó khăn về tuyển sinh đầu vào trình độ tiếng Anh với các trường đại học trong nước. Tôi cũng chưa có nhiều thời gian ở Việt Nam để đánh giá quá trình học tập, đào tạo tiếng Anh trong nước nhưng tôi biết rất rõ, các gia đình Việt Nam đều muốn và đã đầu tư rất lớn việc học tiếng Anh cho con em mình.

Thậm chí, tôi còn có thể nói là mức đầu tư của các bạn trong việc học tiếng Anh còn lớn hơn nhiều so với nhiều gia đình Pháp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế có những sinh viên có năng lực về chuyên ngành nhưng tiếng Anh lại quá kém, không thể nghe hiểu và diễn đạt bằng tiếng Anh khi chúng tôi phỏng vấn trực tiếp.

- Nếu vậy chúng ta có thể khẳng định tiếng Anh đang là cản trở lớn đối với sinh viên Việt Nam muốn tiếp cận với chương trình đào tạo chất lượng quốc tế?

- Tôi không thể khẳng định tiếng Anh là cản trở lớn nhất trong việc tuyển sinh chương trình đại học chất lượng cao, trình độ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo của trường ĐH Việt Pháp chỉ tập trung vào khoa học, công nghệ, vốn dĩ không phải là ngành được nhiều sinh viên lựa chọn. Nhưng chắc chắn là tiếng Anh là một trong những vấn đề lớn của sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận, việc học tiếng Anh ở Pháp cũng gặp không ít khó khăn. Học sinh Pháp cũng được học tiếng Anh 7 năm ở bậc phổ thông nhưng trình độ tiếng Anh của thanh niên Pháp so với các nước châu Âu khác còn thua kém nhiều. 

- Vậy sau 3 năm tuyển sinh, ông có nhận xét gì về chất lượng đầu vào mỗi năm?

- Tôi chưa đủ căn cứ số liệu để phân tích nhưng bằng cảm quan nhìn thấy được thì chất lượng đầu vào sinh viên có thay đổi tích cực. Qua các buổi phỏng vấn, tôi thực sự có ấn tượng sâu sắc với những bạn trẻ dù đang học phổ thông nhưng đã có năng lực tiếng Anh đặc biệt tốt, chắc chắn không cần qua các chương trình hỗ trợ của trường chúng tôi dành cho sinh viên năm đầu tiên để tiếp cận với việc học tập bằng tiếng Anh.

- Giáo sư có thể phân tích giải pháp nào để tuyển được sinh viên đáp ứng nhu cầu đào tạo trình độ quốc tế với các trường ĐH Việt Nam trong điều kiện hiện nay?

- Tôi cho rằng, với điều kiện thực tế, các bạn không thể đòi hỏi sinh viên ngay từ khởi điểm đã đạt được tất cả mọi yêu cầu từ tiếng Anh tới trình độ chuyên ngành. Không thể kỳ vọng tuyển được sinh viên tốt ngay từ đầu với số lượng lớn. Thay vào đó, chúng tôi tuyển sinh viên có thể chưa đáp ứng mọi điều kiện ban đầu nhưng là sinh viên thực sự có tiềm năng, triển vọng. Chính vì vậy, chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho chương trình hỗ trợ sinh viên trước khi chính thức học tập. Các bạn sinh viên này sẽ được theo sát để đảm bảo cả về năng lực tiếng Anh và cách tiếp cận với môi trường học tập nghiên cứu. 

Các trường đại học trong nước không nên chỉ trông chờ sinh viên đáp ứng yêu cầu của mình ngay khi tuyển vào mà phải lựa chọn được những sinh viên tiềm năng và đầu tư, hỗ trợ để các bạn phát huy được năng lực của mình trong quá trình đào tạo lâu dài. Thực tế cho thấy, năm đầu tiên rất khó khăn và nhiều  áp lực với sinh viên. Đã có không ít sinh viên trường chúng tôi bỏ cuộc nhưng nếu cùng với hỗ trợ của nhà trường, vượt qua năm đầu tiên, các bạn sinh viên đều rất tiến bộ, thích ứng tốt với yêu cầu đào tạo chất lượng cao.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Không thể cạnh tranh vì kém ngoại ngữ

Khảo sát 2.500 lao động đủ mọi lứa tuổi về lợi ích và hạn chế khi Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho thấy, một bộ phận người lao động Việt Nam thiếu tự tin khi biết Việt Nam bắt đầu tham gia vào thị trường lao động AEC từ năm 2016.

Nguyên nhân được đưa ra là do khả năng ngoại ngữ kém, thiếu kỹ năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có gần 70% người trong nhóm này cho rằng người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài. Bởi bất lợi lớn nhất mà nhiều người đưa ra là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam khi họ là những người thông thạo tiếng Anh. 

Ông Gaku Echizenya,(Giám đốc điều hành VietnamWorks)

Đề xuất 80% chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Anh

Sinh viên Việt Nam thua kém Philippines và một số nước thuộc khu vực châu Á vì không nói được tiếng Anh. Nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học không sử dụng được tiếng Anh nên không được tuyển dụng.

Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nếu Việt Nam đưa bác sĩ, y tá đi làm ở các nơi mà không biết tiếng Anh thì không thể làm được việc. Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam đang đề xuất thay đổi chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ. Theo đó, sẽ có khoảng 80% chương trình đại học được dạy bằng tiếng Anh với dự kiến sẽ được thí điểm tại khoảng 50 trường ĐH, CĐ trước khi thực hiện rộng rãi.

Ông Phạm Quang Trung(Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục