Rao bán vé trận chung kết lượt về AFF Cup hàng chục triệu đồng, "phe vé" có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN -Khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra trận chung kết lượt về giữa đội Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình, việc mua bán vé vào sân đã diễn ra rất sôi động, đặc biệt là trên mạng xã hội. Từ mức giá được VFF đưa ra là 200.000, 350.000, 500.000 và 600.000 đồng/vé, ra đến “chợ đen” giá vé đã được đẩy lên tới hàng chục triệu đồng, cao gấp 10 - 20 lần giá gốc.

Trong những trận đấu giải AFF Cup 2018 có đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà luôn thu hút sự quan tâm của hàng triệu người hâm mộ. Tuy vậy, bên cạnh số ít người may mắn mua được vé online để vào sân, đa số những người còn lại đành phải ngậm ngùi xem các trận đấu qua truyền hình hoặc tìm cách mua lại vé ở “chợ đen”. Nắm bắt được tâm lý này, không ít đối tượng “phe vé” đã rao bán vé với giá trên trời, tạo ra những “cơn sốt” vé. 

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, cách đây ít ngày, Đội CSHS - CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội đã bắt quả tang hàng loạt phe vé, thu giữ hơn một trăm vé xem trận bán kết lượt về AFF cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Philippin. Các phe vé này hoạt động trước khu vực quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình, gây mất an ninh trật tự. Số vé thu được từ nhóm người này khoảng hơn 100 chiếc.

Theo một đại diện của CAQ Nam Từ Liêm, Đội CSHS đã thành lập nhiều tổ công tác, hóa trang chốt tại khu vực SVĐ Mỹ Đình để phát hiện bắt quả tang các “cò vé”, xử lý theo quy định. Theo đó, đã xử phạt hành chính hàng chục “cò vé”, tạm giữ hàng trăm chiếc vé xem bóng đá. Tuy vậy, để đối phó với lực lượng chức năng, đối tượng “cò vé” sử dụng thủ đoạn khá tinh vi như xé lẻ vé, huy động người thân đến bán, nhanh chóng tản đi nơi khác nếu phát hiện thấy công an…

Thông tin nhận đặt, rao bán vé với giá cao gấp nhiều lần giá gốc đăng tải tràn lan trên mạng

Đáng buồn là tình trạng trên không chỉ diễn ra đối với các trận thi đấu bóng đá mà còn xuất hiện ở những nơi bán vé tàu Tết, điểm biểu diễn ca nhạc của các ca sỹ nổi tiếng…khiến nhiều người dân đặt câu hỏi:  “Pháp luật hiện hành có quy đinh xử lý đối tượng “phe vé” không, chế tài cụ thể ra sao?

Liên quan đến hiện tượng này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với hành vi “phe vé”.

Bởi, vé xem bóng đá được coi là “hàng hóa” hợp pháp và được phép mua bán, giao dịch. Việc mua, bán vé giữa hai bên dù với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá gốc xuất phát từ sự thỏa thuận, tự nguyện. Tuy vậy, nếu “phe vé” có hành vi chèo kéo khách dẫn tới gây mất trật tự công cộng và gây cản trở giao thông sẽ bị xử lý theo quy định

Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi như: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS 2015.

Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Đối với hành vi cản trở giao thông đường bộ, theo Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nếu “phe vé” dừng xe, đỗ xe (môtô, xe máy) ở lòng đường đô thị để bán vé mà gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000- 200.000 đồng.

Trường hợp in vé giả hoặc chế bản lại vé bằng công nghệ cao để lừa dối người mua nhằm chiếm đoạt tài sản, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu trở lên, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 BLHS 2015.

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2- dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.