Báo động những kẻ giết người tuổi “teen” (2)

Ranh giới tội ác

ANTĐ - Gần đây, các vụ án hình sự mà đối tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên tăng cao, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, có tổ chức và xuất hiện nhiều vụ án trẻ vị thành niên phạm tội dã man, giết cả người thân thích. 

Ranh giới tội ác  ảnh 1
Công an Hà Nội đấu tranh với tội phạm giết, cướp tài sản khi tuổi còn rất trẻ

Những kẻ mất nhân tính

Rất nhiều hồ sơ và các bút lục của những vụ án mạng mà đối tượng gây án tuổi đời còn rất trẻ được cơ quan điều tra lưu trữ. Ngoài vụ án Vũ Tiến Sơn sát hại bà chủ quán tạp hóa ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, vụ án Phan Thanh Tùng, ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) can tội giết người, cướp tài sản cũng đáng phải suy ngẫm. Điều xót xa nhất trong vụ án, nạn nhân lại chính là bà nội của kẻ thủ ác. Chỉ vì muốn có tiền để mua quà tặng bạn gái nhân dịp lễ Noel, Tùng đã cùng đồng bọn lập mưu lừa bà nội (76 tuổi), đưa từ nhà người cô ruột ra bờ ao gần Viện Khoa học Nông nghiệp Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, rồi bóp cổ bà cho đến chết. Sau đó, đứa cháu bất nhân này cướp đôi khuyên tai cùng với 30.000 đồng của nạn nhân. Hòng xóa sạch dấu vết, Tùng đang tâm ném xác bà nội xuống ao, trước khi đến hiệu vàng bán đôi khuyên tai lấy tiền mua quà tặng bạn gái. Khi gây án, Phan Thanh Tùng vừa đủ 18 tuổi và đồng bọn của tên tội phạm này là Trương Trung Hiếu, ở huyện Thanh Trì, mới 17 tuổi.

Nguyễn Tiến Dũng, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cùng người em họ cũng nhẫn tâm sát hại bà ngoại để cướp vàng. Chỉ vì ham mê cờ bạc dẫn đến nợ nần, Nguyễn Tiến Dũng và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993) lợi dụng lúc bà ngoại đi ngủ đã lẻn vào trói chân tay, nhét giẻ vào mồm, rồi lục lọi cướp đi một số tài sản. Do bị 2 đứa cháu bất hiếu trói quá chặt và nhét giẻ đầy miệng, nên bà ngoại Dũng đã chết vì ngạt thở. “Cháu ân hận lắm. Cháu xin lỗi bà ngoại, nghìn lần xin lỗi..., bà ơi” - Lời khẩn cầu của Nguyễn Tiến Dũng, mong được bà ngoại tha thứ vẫn văng vẳng trong tâm trí chúng tôi, mỗi khi nhắc đến vụ án đau lòng này. Vốn là một học sinh ngoan ngoãn, hiền lành và rất sợ bị bố mẹ đánh, bỗng chốc Dũng biến thành kẻ phạm tội ác tày trời.

Diệt trừ mầm họa

Đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ gây ra, Thượng tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án 1, Phòng CSHS - CATP Hà Nội nhận xét: “Trẻ em mới lớn dễ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh không lành mạnh dẫn đến lối sống lệch lạc và nhiều cách hành xử côn đồ, tàn bạo mà không thấy ghê sợ. Trong thời buổi nền kinh tế phát triển và hội nhập hiện nay, việc du nhập văn hóa không lành mạnh dẫn đến nhiều vụ án do trẻ vị thành niên gây ra mang tính chất nghiêm trọng như hiếp dâm, cố ý gây thương tích hoặc giết người, cướp của diễn ra rất phức tạp”. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cũng có chung quan điểm này. Họ cho rằng việc phát triển mạnh mẽ của internet, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng đã gây ảnh hưởng lớn đến lối sống, tư duy của trẻ vị thành niên. Nghiện game online, chat sex... nhiều đứa trẻ đã trở thành những tên tội phạm hoặc làm tay sai cho bọn “buôn người”, hay lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua “mạng” và lập mưu sát hại bạn “chat” để cướp tiền, vàng, cùng với nhiều hành vi phạm tội khác. 

Một số ý kiến nhấn mạnh tới việc cần phải sửa đổi Luật Hình sự và tăng nặng khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên gây án nghiêm trọng, để đủ sức giáo dục, răn đe. Về vấn đề này, Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và cộng sự nêu quan điểm: “Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của Bộ luật Hình sự chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ người phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, việc đặt ra phải sửa luật mang tính tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là không nên”. Ông Nam phân tích, người chưa thành niên chưa có năng lực hành vi đầy đủ, nên hình phạt nặng không phải là biện pháp phòng ngừa mang lại hiệu quả tích cực và chỉ mang tính chất răn đe mà thôi. Cái gốc của vấn đề là phải phòng ngừa, hạn chế ngay từ khi trẻ vào giai đoạn phát triển “dậy thì”. Sự quản lý, giáo dục của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng mang tính chất quyết định trong việc giải quyết vấn đề hạn chế người chưa thành niên phạm tội.

“Hiện nay, số lượng người chưa thành niên phạm tội ngày càng tăng, hành vi phạm tội rất nghiêm trọng do lỗi trực tiếp hay gián tiếp của người lớn là các bậc phụ huynh. Việc giáo dục, chăm sóc, quản lý trẻ em trước tiên là trách nhiệm của cha mẹ, sau đó mới đến nhà trường, cộng đồng và xã hội. Nhà trường và cha mẹ cần có sự kết hợp chặt chẽ, nhanh chóng mới quản lý, giáo dục được trẻ em” - Luật sư Trần Thu Nam chia sẻ. Hiện nay một số trường học đã áp dụng các biện pháp như giáo viên thường xuyên thông báo cho cha mẹ học sinh biết việc học tập của con em họ, để gia đình kết hợp quản lý, giáo dục cùng nhà trường là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Mặt khác, việc giúp đỡ thường xuyên của cộng đồng như tổ dân phố, hội phụ huynh, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho trẻ em rất quan trọng.