Răn đe tội phạm, thu hồi tài sản là mục tiêu trong xử lý án tham nhũng

ANTD.VN - Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng đã và đang tiếp tục được thực hiện rất quyết liệt và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Hàng loạt vụ án tham nhũng bị xét xử gần đây và vụ án AVG (đang xét xử) chính là bài học cảnh tỉnh đối với một số người giữ chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước không giữ được mình trước những cám dỗ của đồng tiền...

Các bị cáo trong vụ án AVG tại phiên xét xử ngày 17-12-2019

Vụ án AVG - điển hình trong thu hồi tài sản 

Thực tế cho thấy, việc xử lý tội phạm tham nhũng thường tập trung vào việc xử lý hành vi, xử lý con người mà chưa quan tâm đúng mức đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Do đó, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, đồng thời làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo quy định pháp luật, việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ được thực hiện thông qua các biện pháp tố tụng như: kê biên tài sản, nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, phong tỏa tài khoản ngân hàng… để đảm bảo tài sản tham nhũng không bị tẩu tán, thất thoát. Và ngoài các biện pháp mang tính “cơ học” này thì các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện đang hướng tới một hình thức thu hồi khác cũng rất có hiệu quả. Đó chính là vận động, thuyết phục người phạm tội nhận thức được hành vi vi phạm. Từ đó, họ có ý thức tự giác khắc phục hậu quả, tự nguyện nộp lại tài sản do tham nhũng mà có.

Xét về lâu dài, hình thức vận động, thuyết phục này sẽ đem lại nhiều hiệu quả, thu hồi được nhiều hơn số tài sản hiện hữu nắm được thông qua biện pháp kê biên, phong tỏa. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vận dụng nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cũng như sự quyết liệt, tâm huyết làm hết trách nhiệm, không nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Hiện nay, dự luận xã hội đang đặc biệt quan tâm tới phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), diễn ra từ ngày 16-12 vừa qua. Bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng 12 bị cáo liên quan đang bị xem xét xử lý về các tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” với số tiền gây thất thoát cho Nhà nước và tham nhũng đặc biệt lớn. Tuy nhiên, có thể nói rằng một trong hai vấn đề quan trọng nhất của vụ án đã cơ bản được giải quyết. Đó là công tác thu hồi tài sản tham nhũng. 

Bởi lẽ quá trình giải quyết vụ án cho thấy, tổng số tiền cơ quan tố tụng thu hồi được là 8.845 tỷ đồng, trong khi ấy số tiền mà các bị cáo gây thất thoát được xác định là 8.697 tỷ đồng. Trong số đó, bị cáo Trương Minh Tuấn đã cơ bản khắc phục hết số tiền 200.000 USD nhận hối lộ; Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch MobiFone) đã khắc phục hết số tiền 2,5 triệu USD nhận hối lộ và Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) cũng đã nộp lại toàn bộ số tiền hơn 11,6 tỷ đồng nhận hối lộ.

Riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son mới chỉ khắc phục hơn 500 triệu đồng (trong tài khoản tiết kiệm) trong số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ. Dù vậy, sau ít ngày xét xử, bị cáo Son đã đề nghị và được HĐXX chấp thuận cho gặp gỡ gia đình để tác động họ khắc phục hậu quả thay. Thế nên rất có thể tới đây, cơ quan tố tụng sẽ thu hồi thêm được một khoản tiền rất lớn nữa từ bị cáo này. 

Kết quả có được như nêu trên là nhờ sự nỗ lực phối hợp của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, các kiểm sát viên, điều tra viên và Tòa án nhân dân Hà Nội trong việc quyết liệt, thu hồi triệt để tài sản về cho Nhà nước. Có ý kiến cho rằng tính đến thời điểm này, hoàn toàn có thể khẳng định vụ MobiFone mua cổ phần của AVG là vụ án thu hồi được tài sản tham những nhiều nhất từ trước đến nay.

Đáng mừng hơn nữa là nhờ chủ trương, chính sách pháp luật trong xử lý án tham nhũng của Đảng, Nhà nước nên hầu hết các bị cáo trong vụ án đều tự giác, phối hợp với gia đình để nộp lại các khoản tiền đã chiếm đoạt. Và để làm được điều này thì ngoài việc vận động, các cơ quan tố tụng đã phải phân tích, đưa ra những cơ sở pháp lý về các hình thức xử phạt, vận dụng kỹ năng, sự linh hoạt, khôn khéo… mới có sức thuyết phục.

Các bị cáo trong vụ án AVG nghe Viện kiểm sát đề nghị mức án tại phiên tòa

Nộp lại tài sản có tính chất “sống còn” 

Trao đổi về vấn đề “cốt lõi” - thu hồi tài sản trong xử lý án tham nhũng, luật sư Giang Hồng Thanh  - Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, chính sách hình sự là chính sách pháp luật trong lĩnh vực hình sự, thể hiện rõ trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chính sách hình sự quyết định về các hình thức xử phạt, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó nhấn mạnh phải cân nhắc giữa hậu quả hành vi và thái độ khai báo, ý thức khắc phục hậu quả.

Những người có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, chắc chắn sẽ được áp dụng những quy định theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm. Cụ thể, Điều 40 - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về việc giảm hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân đối với một số trường hợp. Đó là: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

“Theo quy định, việc xử lý hình sự không làm theo hướng bất lợi, song cũng không hạn chế theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Giống như nguyên tắc suy đoán vô tội, việc truy tố, xét xử phải theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, không được suy đoán theo hướng nặng hơn cho họ” - luật sư Thanh nói thêm.

Vị luật sư này cho rằng, cùng là việc khắc phục hậu quả nhưng người khắc phục 50% phải khác người đã khắc phục 100%. Đó là chưa kể đến những người còn tự giác trả các khoản tiền khác ngoài tính toán của các cơ quan tố tụng (tiền lãi, chi phí phát sinh) mà họ không bắt buộc phải trả. Việc làm đó của họ là những tình tiết giảm nhẹ hơn những người khác và sẽ được hưởng chính sách khoan hồng tương ứng. Vì rằng việc khắc phục, bồi thường này đã thể hiện ý thức của họ, thể hiện sự ăn năn hối lỗi của họ, thể hiện mong muốn khắc phục tối đa những thiệt hại do hành vi mà họ gây ra.

Và ngoài vụ MobiFone mua cổ phần của AVG nêu trên thì vụ án chi lãi suất ngoài hợp đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) do Hà Văn Thắm giữ vai trò chính cũng là điển hình của sự tự nguyện nộp lại số tiền đã gây thiệt hại. Trong vụ án này, nhiều giám đốc các chi nhánh, văn phòng giao dịch của OceanBank đã tự giác nộp lại tiền bị thất thoát trong vụ án, tích cực khắc phục hậu quả… Thậm chí có người còn bán nhà, bán tài sản, vay mượn tiền của bạn bè, người thân trong gia đình để bồi hoàn các khoản tiền đã làm thất thoát.

Chính sự ăn năn, hối cải, thấy việc làm của mình là sai, mong muốn được hưởng khoan hồng của pháp luật, sớm được làm lại cuộc đời… đã thúc đẩy họ có động lực tìm mọi biện pháp nhằm khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Tự họ nhận thấy trách nhiệm, lỗi lầm của mình, muốn khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Chính vì thế mà đối với những trường hợp này, các cơ quan tố tụng cũng đã xem xét, cân nhắc và cho họ được hưởng án treo.

Răn đe tội phạm, thu hồi tài sản là mục tiêu trong xử lý án tham nhũng ảnh 3

Đại biểu quốc hội Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cán bộ chức vụ to lại tham nhũng lớn, đó là nỗi đau của đất nước

Nhìn lại những vụ án lớn bị xét xử vừa qua, có những vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ đồng, rất nhiều lãnh đạo cấp cao đã vướng vào vòng lao lý, đó là nỗi đau của đất nước. Khi cán bộ có chức vụ càng to, quyền hành càng lớn, tiếp cận với những vị trí công việc quan trọng nhưng lại tham nhũng hoặc để thất thoát số tiền lớn là không thể chấp nhận được. Tại sao như vậy? Tôi cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực của nước ta chưa chặt cho nên người ta mới lợi dụng được. Cùng đó là vấn đề lợi ích nhóm đan xen. Người ta cũng cảm nhận rằng, thời gian qua, việc xử lý các vụ việc, vấn đề đó chưa thực sự đủ sức răn đe, chưa khiến đối tượng phạm tội phải run sợ, nên họ dám bất chấp pháp luật để tham nhũng với số tiền lớn như vậy nhằm có thể đổi đời con cháu của chính họ. 

Đất nước ta vẫn đang phải gom góp, chắt chiu từng đồng để xây dựng cơ đồ. Thế nhưng có những người chức vụ cao nhưng không vì lợi ích đất nước mà chỉ nghĩ đến mình và gia đình, để rồi thao túng, làm sai, chiếm đoạt tài sản Nhà nước với số tiền lớn, gây sự bất ổn rất lớn trong xã hội. Nếu không xử lý nghiêm, nếu không chấn chỉnh thực trạng này thì khó củng cố được niềm tin của người dân.

Răn đe tội phạm, thu hồi tài sản là mục tiêu trong xử lý án tham nhũng ảnh 4

Ông Lê Tiến -  Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao): Có thể khó thu hồi do tài sản bị tẩu tán

Những vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ có số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát lớn nhưng không thể thu hồi do đã bị tẩu tán. Nguyên nhân là do các vụ án kinh tế, tham nhũng thường được thực hiện trong thời gian dài mới bị phát hiện, các đối tượng liên quan đã tẩu tán xong tài sản; công tác xác minh nguồn gốc tài sản để thi hành án, giám định thiệt hại về kinh tế gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là tài sản do phạm tội mà có đã được chuyển dịch trái phép ra nước ngoài.

Răn đe tội phạm, thu hồi tài sản là mục tiêu trong xử lý án tham nhũng ảnh 5

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh:  Trộm cắp tiền bạc của nhân dân cũng là Việt gian, phản quốc

Ở Việt Nam, ngay từ những ngày đầu hình thành Nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về tệ nạn tham nhũng, lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức và coi trộm cắp tiền bạc của nhân dân, gây tổn hại kinh tế cho Chính phủ cũng là Việt gian, phản quốc. Lịch sử cho thấy, đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng luôn gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam. Đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, có quyền hạn, có nhận thức sâu rộng và am hiểu pháp luật, được tiếp cận với nhiều thông tin, quan hệ rộng, một số thậm chí từng có đóng góp lớn… nên các vụ việc tham nhũng rất khó phát hiện và xử lý. Mặc dù vậy, công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên tình trạng tham nhũng vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường và đang có xu hướng gia tăng về cả quy mô lẫn tính chất. 

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật quy định về phòng, chống tham nhũng đang ngày một hoàn thiện hơn như Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, luật cũng quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong đó nổi bật là việc công khai minh bạch tài sản thu nhập và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều 92 Luật Phòng chống tham nhũng quy định rất rõ: “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác”. Và tùy theo mức độ, tính chất hành vi có thể bị bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm tham nhũng là tử hình, như Điều 353 về “Tội tham ô tài sản”, Điều 354 về “Tội nhận hối lộ”… Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định cả việc xử lý các hành vi khác liên quan như vi phạm quy định về công khai minh bạch, vi phạm quy định về định mức - chế độ - tiêu chuẩn. Đối với tài sản tham nhũng sẽ được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định.

Răn đe tội phạm, thu hồi tài sản là mục tiêu trong xử lý án tham nhũng ảnh 6

"Tôi bào chữa là trên cơ sở lương tâm. Phiên toà này có thể kết thúc nhưng toà án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi mãi mãi. Đó là điều đau khổ nhất mà tôi mang theo suốt cuộc đời...

Vụ án đã khắc phục hậu quả vật chất triệt để, rất mong Hội đồng xét xử xem xét bởi việc trừng phạt cần thiết để răn đe nhưng bên cạnh còn có tính giáo dục. Cái lớn hơn nữa, trong các vụ án kinh tế mục đích lớn hơn là thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Đây là vụ án hy hữu từ trước đến nay thu hồi tài sản cho Nhà nước và các chi phí phát sinh nên mong tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ cho tôi và các bị cáo khác... Tôi rất xấu hổ với tội danh nhận hối lộ khi đứng đây cùng 3 bị cáo. Đây là nỗi nhục của chúng tôi".

Bị cáo Trương Minh Tuấn,  cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu  tự bào chữa trước tòa ngày 21-12-2019