Râm ran “mùa bói” đầu năm

ANTĐ - Như thường lệ,  cứ đến  đầu năm mới là từ công sở đến quán nước, rồi trên mạng internet, các bà, các chị, các em cứ túm năm tụm ba râm ran truyền tai nhau những địa chỉ xem bói hay, xem tử vi chuẩn. Có vẻ như cuộc sống càng hiện đại thì người ta càng tin vào việc có một người nào đó biết trước số phận của mình và chỉ cho mình đường đi nước bước để tránh vận rủi, gặp vận may. Không biết có may mắn hay không, nhưng không ít người đã đổ tiền triệu cho việc xem bói toán, còn các thầy bói thì được dịp tận thu, cứ ngồi khoa môi múa mép bán nước bọt mỗi ngày cũng kiếm tiền triệu một cách dễ dàng.
Râm ran “mùa bói” đầu năm ảnh 1

Giới trẻ đổ xô đi xem bói tình duyên

Nếu trước kia, đa phần chỉ có người trung tuổi, người làm kinh doanh mới hay đi xem bói thì thời gian gần đây, chiếm đa phần là giới văn phòng và đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đi xem bói tình duyên. Các chị em văn phòng thì rủ người trong cơ quan, công ty đi thành nhóm, người nào không có ai đi cùng thì lại lên mạng rủ những người có ý định xem bói đi cùng cho vui. Trên mạng những ngày này, nhan nhản những topic mới được lập, kiểu như: “Các mẹ có biết địa chỉ nào xem bói chuẩn ở Hà Nội không?” hay “Có ai muốn đi xem bói cùng em không?”… Ngay lập tức hàng loạt địa chỉ các thầy được giới thiệu, kèm theo cả những hướng dẫn chi tiết như cô này đến phải ăn mặc ra sao, xưng hô thế nào, đặt lễ bao nhiêu, cô nào, thầy nào nói chuẩn, nói kỹ, thầy nào “làm tiền”… Những lời rủ rê đi xem bói cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và lên kế hoạch ngay lập tức, thường thì những người xem bói muốn đi thành nhóm cho vui chứ ít ai đi một mình. Các thầy cũng thích xem cho nhóm người hơn, vì vậy khi phóng viên trong vai một người muốn xem bói, gọi điện đặt vấn đề nhờ thầy xem - nhiều thầy tỏ ra bận rộn, yêu cầu nhắn tin lại xem đi mấy người để thầy xếp lịch, mà nếu đi một mình thì rất “khó xếp lịch”.

Với các em học sinh, sinh viên hoặc bạn trẻ mới ra trường thì đi thành từng tốp những người bạn thân, chủ yếu là các bạn nữ. Khi chúng tôi hòa vào nhóm người đi xem bói, dễ dàng gặp những nhóm trẻ tụm lại bàn tán xem hôm nay thầy nào nói chuẩn cái gì, chưa chuẩn cái gì. Nguyễn Thị Minh Phương (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai), sinh viên năm cuối một trường đại học dân lập chia sẻ rằng từ hồi cấp 3 đến giờ, hầu như năm nào nhóm bạn 3 người của cô cũng phải đi xem một vài thầy. “Nói chung là nên tìm lấy một thầy tin tưởng, sau này gặp trục trặc gì trong cuộc sống thì nhờ thầy làm lễ hóa giải cho. Còn các thầy khác thì đi xem thêm cho vui. Năm nay em đi xem để xem thi cử có tốt không, nên xin việc ở ngoài hay làm nhà nước thì hơn. Nói chung thì mình không tin tuyệt đối vào lời thầy, nhưng cũng theo nó mà định hướng mọi việc của mình”.  Còn Đặng Trang Anh (Định Công, Hoàng Mai) thì cho biết: Đầu năm em thường đi xem xem trong năm có tháng nào gặp hạn, nói chung nếu đúng thế thì mình cẩn thận phòng tránh, không đúng thì cũng chẳng sao. Mất vài ba trăm, nói chung cũng không đáng là bao.

Phì cười nghe thầy bói “nói dựa”

Theo những lời giới thiệu trên mạng, chúng tôi tìm đến nhà “cô” Hường ở trên phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, người được cho là “có tâm”, giá cả vừa phải, đặt lễ tùy tâm từ 50-100 nghìn đồng mà cô nói rất kỹ. Nghe nói anh trai cô Hường cũng là một thầy bói nổi tiếng ở gần đây. Khoảng 9h30 chúng tôi có mặt tại nhà cô Hường thì đã có khoảng hơn chục người ngồi trong căn phòng nhỏ chừng hơn chục mét vuông đang chờ cô xem cho, số người kéo đến mỗi lúc một đông, trong buổi sáng ấy cô xem cho khoảng gần ba chục người. Điện thờ của cô Hường đặt ngay tại phòng khách chật chội, nghi ngút khói hương, đèn nhang hoa quả. Cô Hường chừng trên 30 tuổi, người nhỏ thó. 

Cô Hường xem chỉ tay. Đầu tiên người xem phải ghi tên tuổi mình và những người trong gia đình vào một cuốn sổ, cô sẽ xem lần lượt theo thứ tự ghi trong sổ. Đến lượt ai thì người ấy đặt lễ lên ban thờ, chừng 50-100 nghìn đồng rồi quỳ lễ. Trong lúc này cô sẽ gieo quẻ âm dương để xin ý “cô” (tức Bồ Tát). Quẻ thuận thì tức là “bề trên” đã cho phép và cô bắt đầu xem. Người xem phải xức một chút nước hoa cô để sẵn cạnh đó vào lòng bàn tay, xoa vào nhau đưa tay cô xem. Cô nhìn bàn tay ngẫm ngợi rồi từ từ phán từng chi tiết một về gia cảnh, quá khứ, tương lai của mỗi người. Nhưng ai để ý kỹ sẽ thấy những lời cô phán toàn những câu vô thưởng vô phạt, nhìn người mà đoán hoặc những câu “vào ai cũng thấy đúng”. Mà nếu lỡ nói sai thì cô bẻ hướng, lấp liếm rất nhanh. Ấy vậy mà ai xem cũng gật gù, người đúng 50% cũng đã thấy mừng rồi, có người còn hỉ hả xuýt xoa rằng cô phán trúng phóc mọi thứ. 

Khách hàng đầu tiên một nữ sinh viên trẻ. Sau khi phán rằng năm nay nhiều thứ thuận lợi, tháng mấy tháng mấy có hạn thì cô bắt đầu nói về hoàn cảnh gia đình. Cô hỏi, nhà năm nay có mấy người đón giao thừa, 3 người phải không. Cô gái trẻ cho biết là gia đình mình không thức lúc giao thừa thì cô Hường “bẻ lái” luôn: Năm nay thiên đình chê lắm đấy, trên chê nhà mình đón giao thừa lệch giờ, đón sớm quá, mà sớm nhiều đấy chứ không phải ít đâu. Vẫn vân vê bàn tay cô gái, cô Hường nói tiếp: Nhìn tay này thấy gia đình mình có mấy chân linh đấy, chứ không phải hai đâu, chắc chắn mẹ có bỏ mấy đốt, không phải một lần đâu, cứ thử về hỏi mẹ mà xem (ý nói phá thai). Còn bố mày bị bệnh mãn tính, hay đau lưng phải không, đã uống thuốc rồi mà không khỏi hẳn đúng không. Thấy cô gái gật đầu, cô Hường phán tiếp: Cái bệnh của bố mày ý, không chết được đâu, phải sống chung thôi, cố gắng uống thuốc sẽ đỡ. Nhưng cũng không thọ được, bố sẽ đi trước mẹ  đấy…

Nghe cô Hường phán, không chỉ cô gái gật gù, mà những người xung quanh cũng chăm chú lắng nghe thán phục. Phóng viên thì suýt phì cười vì “niềm tin” không hề lăn tăn của những người ngồi đây. Ở Việt Nam, cái thời mà các phương tiện tránh thai còn hạn chế, thì có mấy phụ nữ không phá thai. Hay bệnh đau lưng ở người già thì chắc hiếm người không mắc phải. Ấy vậy mà cô gái trẻ vẫn hớn hở, vì “cô” nói quá chuẩn?!

Một vị khách nữa là một cô gái trẻ, trắng trẻo xinh đẹp, trông vẻ khá “ăn chơi”. Sau khi xong các thủ tục lễ bái, cô Hường bắt đầu xem vận hạn trong năm rồi cũng bắt đầu đoán dò: Mày hay bị hoa mắt chóng mặt đúng không, bị thiếu máu đấy, cố gắng ăn uống vào (cô gái da xanh xao, người thường cũng biết là thiếu máu). Mà thỉnh thoảng thấy hơi tức bụng với mỏi lưng hả, “cậu bé” trêu đấy. Cậu cứ đạp vào bụng, rồi đu vào lưng đòi cõng, thỉnh thoảng còn đu vào cổ nữa nên thấy mỏi cổ đúng không. Nhưng nói chung là cậu trêu thôi, chứ không làm hại đâu mà sợ. Mà mày đi làm chưa, chưa hả, chưa đi làm mà sao vẫn có tiền đấy, không lo đâu. Về đường tình duyên, cô hỏi: Đang yêu thằng hơn tuổi à. Cô gái lắc đầu nói bằng tuổi thì cô Hường nói luôn: Yêu thằng này nhưng chưa chắc đã lấy đâu, mà lấy nó cũng hơi vất vả đấy, gặp thằng nào hơn thì lấy cũng được. Ngẫm nghĩ một lúc, cô hỏi thêm: Mà bàn tay này chắc không còn con gái à, cô gái trẻ ngượng ngùng gật đầu…

Một phụ nữ khác có chồng, cô phán theo kiểu với ai cũng đúng như thế này: Em đi làm dâu nhà này có nhiều cái bực nhưng không nói được đúng không. Lấy chồng tuổi này nhiều lúc hơi chán đấy. Lúc yêu thì chiều nhưng lấy vào có con là thay đổi nhiều. Nhưng thôi cố mà nhẫn nhịn sẽ yên cửa yên nhà, cãi giả là sẽ đấu khẩu đấy. Mà chồng em còn nợ ai một khoản tiền đấy…

Được chừng gần hai chục người thì cô Hường có vẻ đã mệt, cô liên tục ngáp và phán sơ sài hơn. Đến lượt một cô gái khác, sau khi phán đủ điều rằng gia đình vợ chồng năm nay làm ăn thuận lợi, có tiền hơn năm ngoái, con cái cũng ngoan ngoãn… cô hỏi xem có hỏi thêm gì không. Cô gái buồn bã nói: Vợ chồng em đang làm thủ tục li hôn, chị xem có li hôn được không thì cô Hường chữa ngượng ngay: Đưa bàn tay phải đây, sao bàn tay kia không thấy nói gì đến li hôn nhỉ. Cô chăm chú nhìn bàn tay phải cô gái rồi như phát hiện ra: Ừ, vợ chồng này rồi cũng bỏ nhau thôi, không ở với nhau được. Sao ngày trước lại lấy cái tuổi này chứ. Thôi nhưng mà cứ cố, chứ bỏ nhau rồi sau này lấy thằng nào cũng vậy thôi. Cô gái tỏ vẻ không bằng lòng vì thầy phán toàn sai, nói thêm: “Số đã bỏ nhau rồi thì còn cố làm gì ạ, đằng nào chả bỏ”.

Cần xử phạt nghiêm

Riêng ở Hà Nội, thầy bói có cả trăm người, mỗi người một cách xem, một kiểu tính cách, một quy tắc khác nhau. Có thầy thì bói chỉ tay, thầy bói quả cau, lá trầu, thầy bói bài tây, thầy thì bói cờ tướng, thầy thì bói đồng tiền… Có thầy không cho phép mặc váy, có thầy yêu cầu mặc áo trắng hoặc áo đen, có thầy lại không cho mặc áo đen. Người thì giá chỉ dăm chục, có người dăm trăm… Các thầy bói đa phần chả có học hành gì, nhiều người ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác, ăn nói bỗ bã, chửi bậy như hát hay, hút thuốc lá phì phèo, nhưng dường như càng lập dị như thế thì người ta càng tin các thầy là “người giời”. Người thì thích “nịnh” khách, kiểu nói năm nay nhà có nhiều lộc, làm việc gì cũng thành, có nhiều người yêu… Có người thì thích dọa nạt có vong bà cô, ông cậu theo khóc lóc hay có duyên âm nên chưa lấy được chồng… Ấy thế nhưng đầu xuân, đến nhà thầy nào cũng phải xếp hàng đợi dài cổ, có khi từ sáng sớm đến tận quá trưa mới đến lượt.

Theo kinh nghiệm của phóng viên trong quá trình tìm hiểu viết bài thì những người đi xem bói thường rất thích nghe thầy bói nói về gia cảnh nhà mình, nếu thầy đã nói đúng về gia cảnh thì chắc chắn là thầy giỏi, còn lại thì phán vận hạn tương lại cứ chờ nghiệm xem thế nào. Mà thầy bói thì có những kinh nghiệm nằm lòng khi phán về gia cảnh mỗi người, theo kiểu là vào ai cũng đúng, chẳng hạn như: Bố mẹ bỏ một đốt, nhà có người chết trẻ, năm ngoái có người trong gia đình ốm đau, đã từng yêu nhiều người rồi, vợ chồng hay cãi nhau vặt… Ấy thế mà người ta cứ tin đứ đừ, đổ xô đi xem. Nhiều người đã phải lĩnh hậu quả buồn từ những việc tin vào thầy bói một cách mù quáng. Trong khi đó, việc xử lý các thầy bói hành nghề mê tín dị đoan như thế này còn bỏ ngỏ, thành ra xã hội càng phát triển, thì thói quen đầu xuân đi xem bói càng nhiều hơn.