Rắc rối việc nhận xét thay cho điểm

ANTĐ - Do học sinh lớp 1 chưa biết đọc nên những lời nhận xét của cô chỉ để mang về nhà cho bố mẹ đọc cho các con nghe. Còn nếu cho điểm thì các con sẽ có phản ứng tức thì, lớp học mà có nhiều điểm 10, không khí sôi động hơn nhiều…

Điểm số được cho là nguyên nhân gây áp lực lớn tới tâm lý trẻ vào lớp 1

Thích được chấm điểm

“Bố mẹ con về nhà vẫn hỏi xem hôm nay con được mấy điểm và bảo rằng nếu được 10 điểm sẽ thưởng món quà con thích. Nhưng từ hôm đi học tới giờ con vẫn chưa có điểm 10 nào” - em Nguyễn Bông Mai, học sinh trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết. Điều này cũng được giáo viên giải thích, thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 nên nhà trường triển khai việc nhận xét từ đầu năm học 2013-2014. Tuy nhiên, thực tế cho thấy học sinh vẫn thích cô chấm điểm để dễ “quy đổi” thành những phần thưởng. Cô Nguyễn Minh Tâm, giáo viên tiểu học quận Hoàng Mai cho biết, năm học trước, giáo viên vẫn thực hiện việc cho điểm đối với học sinh lớp 1. Nếu được 9, 10 điểm, các em sẽ rất phấn khởi, tiết học cũng vui vẻ, sôi động hơn. Còn với lời nhận xét như cách làm hiện nay, các con chỉ nghe chứ chưa đọc và hiểu hết nên không cảm nhận ngay được niềm vui được khen hay phải sửa đổi khi cô chưa khen.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Định Của, TP Hồ Chí Minh, một trong những người đầu tiên đề xuất việc nhận xét thay vì cho điểm học sinh lớp 1 cho rằng, đánh giá năng lực học tập bằng điểm số làm cho giáo viên, phụ huynh và ngay cả bản thân trẻ không thấy năng lực thật sự của mình. “Phụ thuộc vào điểm số, nhiều lúc người thầy chủ yếu dạy để lấy điểm mà quên đi nhiệm vụ của mình là hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức và nhiều điều mới mẻ từ cuộc sống, con người...” - bà Vũ Thị Mỹ Hạnh phân tích-“Điều đáng buồn nhất là “điểm số” làm cho mọi người cùng ngộ nhận và phán xét sai lầm về nhau, đưa đến những cách quản lý và giáo dục áp đặt: Thầy cố gắng dạy thực chất, theo năng lực học sinh, lớp không nhiều điểm 10 thì cho là dạy “Yếu”, trẻ không đạt điểm 10 như bạn thì là trẻ “chậm, lười”, phụ huynh thấy con không đạt điểm 10 thì cho là cô “ghét con”, “cô gợi ý đi học thêm, tặng quà cáp...”.

Khó vì học sinh lớp 1 chưa biết đọc nhận xét

Một trong những vấn đề nảy sinh khi giáo viên nhận xét thay vì cho điểm học sinh lớp 1 là việc chuyển tải thông tin cho học sinh gặp khó khăn khi các em chưa biết đọc. Kinh nghiệm của bà Vũ Thị Mỹ Hạnh áp dụng ở trường mình là trong học kỳ I, thay phần nhận xét – cho điểm bằng hình thức qui ước với học sinh và phụ huynh: Ghi nhận học tập học sinh theo 3 mức:  Hoàn thành kết quả tốt được tặng 1 sao đỏ, hoàn thành kết quả còn thiếu sót được tặng 1 sao xanh, chưa hoàn thành, còn thiếu sót nhiều được tặng 1 sao vàng (giáo viên dán vào vở bài tập học sinh).

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang yêu cầu các trường tổ chức chuyên đề giáo dục về vấn đề này. “Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn tốt nhất về cách đánh giá học sinh. Do các em học sinh lớp 1 chưa biết đọc nên hiện tại nhiều trường đã chủ động tìm ra những phương pháp đánh giá khá thú vị, phù hợp với tâm lý học sinh lớp 1 như sử dụng các hình mặt cười, mặt mếu để biểu thị một cách nhẹ nhàng đánh giá tốt hay chưa tốt đối với câu trả lời của học sinh” – ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ. Theo ông Phạm Xuân Tiến, việc nhận xét học sinh rất đa dạng, phụ thuộc vào từng trình độ học sinh, từng môn học, bài học nên chưa nên đặt ra những khuôn phép mà phải tìm hiểu kỹ thực tế để tìm ra những sáng kiến, kinh nghiệm hay.

Một vấn đề nữa được TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đặt ra là: “Thông thường giáo viên cho điểm thì dễ hơn nhận xét. Ngoài ra, nếu như chỉ có cô giáo thực hiện hình thức nhận xét thay vì cho điểm mà không tuyên truyền tác dụng của biện pháp này với phụ huynh thì tiến trình này sẽ gặp phải không ít khó khă trong quá trình thực hiện” - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết. Sẽ xảy ra tình huống phụ huynh không đánh giá được kết quả học tập của con mình vốn vẫn được thể hiện rõ ràng bằng điểm số và gây áp lực ngược lại với giáo viên. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, dù thay thế việc chấm điểm bằng nhận xét có tác dụng tốt tới tâm lý học sinh và phụ huynh nhưng cần được hướng dẫn rõ ràng để cả 2 phía nhà trường và gia đình đều quen với phương pháp đánh giá mới này.