Rắc rối pháp lý liên tiếp bủa vây “gã khổng lồ” Facebook

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tập đoàn khổng lồ Facebook đang phải liên tiếp đối mặt với các vụ kiện trị giá tỷ USD khi bị cáo buộc đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình để áp đặt các điều khoản và điều kiện không công bằng đối với những người dùng tại nước Anh cũng như ở ngay “quê hương” là nước Mỹ.
Trụ sở của Facebook tại Menlo Park, California, Mỹ gã khổng lồ công nghệ nền tảng xuyên biên giới này đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý tại nhiều nơi trên thế giới

Trụ sở của Facebook tại Menlo Park, California, Mỹ gã khổng lồ công nghệ nền tảng xuyên biên giới này đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý tại nhiều nơi trên thế giới

Bị kiện tụng khắp nơi trên thế giới

Bà Liza Lovdahl Gormsen - cố vấn cấp cao của Cơ quan Quản lý Hành vi Tài chính Anh (FCA) và là một học giả về luật cạnh tranh - cho biết, bà sẽ thay mặt những người dân Vương quốc Anh sử dụng Facebook (hiện được gọi là Meta Platforms) từ năm 2015-2019 tiến hành vụ kiện tập thể 3,2 tỷ USD tại nước này. Công ty luật đại diện cho bà Lovdahl Gormsen là Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan đã thông báo cho Facebook về khiếu nại của thân chủ, trong đó cáo buộc Facebook đã lạm dụng vị trí thống trị thị trường bằng cách khai thác dữ liệu cá nhân của 44 triệu người dùng tại Vương quốc Anh.

Theo bà Lovdahl Gornsen, trong 17 năm kể từ khi ra đời năm 2004 tại Mỹ, Facebook đã trở thành mạng xã hội duy nhất ở Vương quốc Anh, nơi người dùng có thể chắc chắn kết nối với bạn bè và gia đình từ mọi địa điểm. Tuy nhiên, “gã khổng lồ” mạng xã hội này đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình để áp đặt các điều khoản và điều kiện không công bằng đối với những người dùng tại Anh, cho phép mạng xã hội này khai thác dữ liệu cá nhân của họ.

Bà Lovdahl Gormsen cũng cáo buộc, Facebook đã thu thập dữ liệu trong nền tảng của mình và thông qua các cơ chế như Facebook Pixel cho phép người dùng xây dựng “bức tranh toàn cảnh” về việc sử dụng Internet và tạo hồ sơ dữ liệu sâu, có giá trị cao của họ. Phía nguyên đơn còn cáo buộc, Facebook đã kiếm được hàng tỷ bảng Anh thông qua những cách thức thu thập thông tin cá nhân như vậy.

Vụ kiện tập thể của người dùng ở Vương quốc Anh mà bà Lovdahl Gormsen là người đại diện dự kiến sẽ được một tòa án về vấn đề cạnh tranh đặt tại Thủ đô London thụ lý, đưa ra xét xử. Tuy nhiên, phía Công ty Meta Platforms cho biết, mọi người dùng sử dụng dịch vụ của họ, trong đó có người dùng ở Anh, vì nó mang lại giá trị cho họ. Và công ty có quyền kiểm soát quan trọng đối với những thông tin và mối quan hệ mà người dùng chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Facebook của Meta Platforms.

Vụ kiện tại Anh là rắc rối pháp lý mới nhất mà Facebook đang phải đối mặt. Trước đó, ngày 11-1-2022, ông James Boasberg - thẩm phán liên bang của Mỹ - đã ra phán quyết cho phép Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) tiếp tục quy trình pháp lý trong vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Facebook, nay có tên chính thức là Meta Platforms. Cáo buộc của FTC nêu rõ, Facebook đang thống trị mạng xã hội cá nhân của Mỹ với hơn 65% người dùng hoạt động hàng tháng kể từ năm 2012. FTC cũng cáo buộc thêm, Facebook lên kế hoạch mua lại hoặc chèn ép không hợp pháp các đối thủ cạnh tranh.

Phán quyết của thẩm phán liên bang Mỹ đã bác bỏ nỗ lực của “gã khổng lồ” mạng xã hội Facebook nhằm kháng nghị một vụ kiện có khả năng gây tổn thất cả về uy tín và tài chính của công ty. Vụ kiện của FTC đối với Facebook có thể kéo dài nhiều năm và được xem là một trong những thách thức quan trọng nhất mà ủy ban này đối mặt trong nhiều thập kỷ qua.

Trước đó, Facebook cũng từng sa vào không ít vụ kiện tụng khắp nơi trên thế giới. Trong đó, ngày 5-1 vừa qua, Ủy ban về thông tin và quyền tự do quốc gia Pháp phạt Facebook 60 triệu euro (hơn 67 triệu USD) về hành vi sử dụng lịch sử hoạt động của khách hàng (cookie) phục vụ mục đích điều phối thông tin quảng cáo. Tháng 10-2021, Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường Anh (CMA) phạt Facebook 69,5 triệu USD do “phớt lờ” yêu cầu cung cấp thông tin về thương vụ trị giá 400 triệu USD mua lại công ty khởi nghiệp Giphy, chuyên các sản phẩm hoạt họa.

Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo

Ra đời năm 2004, Facebook nhanh chóng phát triển thành một nền tảng công nghệ, mạng xã hội xuyên biên giới lớn bậc nhất thế giới. Facebook từ tháng 10-2021 đã được đổi tên thành Meta Platforms. Sau 17 năm “bành trướng” từ công ty được thành lập tại Mỹ, Facebook giờ đã trở thành tập đoàn có giá trị lớn bậc nhất thế giới với giá trị vốn hóa lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD từ cuối tháng 6-2021.

Bên cạnh những tiện ích mang lại, Facebook theo như cách gọi quen thuộc và phổ biến suốt gần 2 thập kỷ qua cũng mang lại ngày càng nhiều rắc rối, bất tiện, thậm chí nguy cơ, rủi ro và thiệt hại cho người dùng. Một trong những rủi ro lớn nhất là sự phụ thuộc ngày càng lớn của người dùng, trong kinh doanh cũng như công việc hàng ngày, vào Facebook.

Do phụ thuộc quá lớn vào Facebook nên bất cứ sự trục trặc nào của “ông lớn” công nghệ, nền tảng xuyên biên giới này cũng mang lại những thiệt hại khó lường cho người dùng. Trong đó, hàng tỷ người dùng toàn cầu, trong đó có rất nhiều người hoạt động kinh doanh và truyền thông, đã bị ảnh hưởng nặng nề khi tất cả các nền tảng mạng xã hội của “nhà” Facebook bao gồm Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp bị sập đồng loạt vào ngày 4-10. Sự cố sập toàn bộ hệ thống trong 6 giờ này một lần nữa cho thấy cách Facebook và mạng lưới rộng khắp của nó liên quan đến cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người dùng ra sao.

Một trong những mối nguy rất lớn khác mà người dùng các nền tảng mạng xã hội của “ông lớn” Facebook luôn lo lắng là bị thu thập dữ liệu cá nhân, lộ dữ liệu cá nhân, bị bán dữ liệu cá nhân… Mối lo lắng này hoàn toàn hiện hữu khi Facebook từng bị “vạch mặt” và bị phạt nặng trên thế giới.

Có thể thấy, các vụ kiện và cáo buộc xảy ra liên tiếp ở nhiều quốc gia nhằm vào Facebook dù không làm túi tiền vốn rất rủng rỉnh nghìn tỷ USD của “gã khổng lồ” toàn cầu vơi đi nhiều, nhưng có thể khiến uy tín và danh tiếng của mạng xã hội này ít nhiều bị sứt mẻ. Trong bối cảnh Facebook cùng nhiều nền tảng công nghệ xuyên biên giới khác đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tối đa hóa lợi nhuận, người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới cần tỉnh táo, tránh để bị lợi dụng, “vô tình” cung cấp các dữ liệu cá nhân ngoài tầm kiểm soát của bản thân, đồng thời hệ thống pháp luật của các quốc gia cũng cần hoàn thiện để có thể ngăn chặn tốt nhất.