Rà soát, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Kiến nghị lợi nhuận định mức tối thiểu bằng 7% giá bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó đề cập đến 9 nội dung cần xem xét lại như: chu kỳ điều hành xăng dầu, chi phí định mức…
Bộ Công Thương lấy ý kiến rà soát, sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương lấy ý kiến rà soát, sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu

Kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Nghị định về kinh doanh xăng dầu, ông Giang Chấn Tây- Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh đề xuất, bổ sung thuật ngữ “chiết khấu bán lẻ xăng dầu”vào Nghị định và được hiểu như là lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ để cơ quan chức năng quản lý được xuyên suốt tất cả các khâu trong quá trình quản lý và điều hành của mình một cách trực tiếp và kể cả gián tiếp.Tỷ lệ chiết khấu không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố (3,5% là điểm hòa vốn; 3,5% còn lại là lợi nhuận).

Theo ông Giang Chấn Tây, quy định như trên để tránh tình trạng hiện nay nhà cung cấp cho chiết khấu 0 đồng hoặc cho 30 đồng đến 70 đồng cho có lệ nên doanh nghiệp bán lẻ không thể hoạt động được đành phải đóng cửa.

Về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, đại diện doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi là: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn nhưng không lớn hơn 93% giá bán lẻ, kể cả đã cộng chi phí vận chuyển xăng dầu đến doanh nghiệp bán lẻ.

Điều này có nghĩa là giá bán buôn phải đảm bảo đủ chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Quy định này nhằm tránh tình trạng nhà cung cấp tự ý kê khống phí vận chuyển vào lô hàng bán để mọi chi phí doanh nghiệp bán lẻ đều phải gánh chịu khi giá biến động.

Về giá bán lẻ xăng dầu, các quy định hiện hành nêu: “Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố”.

Ông Giang Chấn Tây cho rằng, giá điều hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố đảm bảo doanh nghiệp đạt được lợi nhuận định mức và chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo cho thị trường hoạt động bình thường.

“Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu thông báo giá bán lẻ xăng dầu các vùng miền không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố”- ông Giang Chấn Tây nói.

Về thời gian điều hành giá xăng dầu, theo Nghị định 95, giá xăng dầu được điều hành vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Ông Giang Chấn Tây cho rằng vẫn nên giữ việc điều hành định kỳ vào 3 ngày trên trong tháng nhưng nếu kỳ điều hành rơi vào ngày nghỉ, ngày lễ thì cần phân công người trực điều hành giá để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh được bình thường.

Tại cuộc tọa đàm “Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu” vừa diễn ra, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh- Giảng viên cao cấp học viện Tài chính cho rằng, doanh nghiệp cần phối hợp với Bộ Tài chính để tính toán chi phí hợp lý, rõ ràng.

Cùng với đó, các bộ ngành cũng nên có kế hoạch dài hạn để từ đó chúng ta đưa ra quá trình điều chỉnh các định hướng này phù hợp theo thời gian để đảm bảo doanh nghiệp có chi phí kinh doanh phù hợp với thực tiễn.

“Về lâu dài, để hướng tới kinh tế thị trường, ở đó Nhà nước chỉ định ra cái khung còn doanh nghiệp dần dần phải nới rộng ra để họ có quyền hoạt động độc lập, quyền quyết định về giá, quyền quyết định về chi phí. Nếu ông nào tiết kiệm được chi phí thì ông đó được hưởng”- PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.