"Rã đông" tảng băng nợ xấu

ANTD.VN - Với các quy định mới tại Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, các ngân hàng liệu có “thở phào” vì không còn chịu cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”?

Một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua là khẳng định lại quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) của tổ chức tín dụng (TCTD), bên nhận đảm bảo với thời hạn là 10 ngày sau khi bên giữ TSĐB không giao tài sản đảm bảo. Nếu có tranh chấp, khi ra tòa sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Trước đó, dù là chủ nợ nhưng quyền xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD bị hạn chế, thậm chí vi phạm dẫn đến việc xử lý tài sản, thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Luật sư, TS. Bùi Quang Tín, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, điều vô lý trước đây là đa số nợ xấu của ngành ngân hàng đều có TSĐB nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ. Có những vụ tranh chấp ra tòa hàng 5-6 năm vẫn chưa xử lý xong.

"Rã đông" tảng băng nợ xấu ảnh 1Thu giữ tài sản đảm bảo là một khó khăn trong xử lý nợ xấu

Thắng kiện cũng phải chờ

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, tại Vietcombank thời gian qua, có 790 vụ chuyển qua tòa án; 98 vụ tòa đã thụ lý nhưng chưa xét xử.

Trong khi đó, thường sau cả năm trời khởi kiện tòa mới xử phiên hòa giải đầu tiên, còn đa phần đều kéo dài 2-3 năm, có vụ 7-8 năm. Dù tòa có xử kiện thắng thì cũng mất vài năm. Trong khi tòa giải quyết thủ tục thì tài sản bảo đảm xuống cấp, tổn thất của ngân hàng càng lớn. Quyền thu giữ tài sản không có, tạo ra sự chây ỳ của khách hàng vì trong thời gian này, con nợ vẫn có quyền khai thác, thu lợi nhuận từ TSĐB.

Vì vậy, với việc trao các cơ chế cho ngân hàng, TCTD để xử lý nợ xấu trong Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này được kỳ vọng sẽ giúp “rã đông” tảng băng nợ xấu. Trong đó, có các quyền thu giữ TSĐB; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng…

Cụ thể, Nghị quyết quy định bên bảo đảm, bên giữ TSĐB của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao TSĐB thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định.

TCTD phải công khai thông tin trước khi thu giữ TSĐB; đồng thời chỉ cho phép TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thu giữ mà không ủy quyền cho các tổ chức khác như công ty dịch vụ đòi nợ, quy định không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ TSBĐ. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an. 

Tác động tích cực

Những thay đổi trên được bổ sung nhằm bảo đảm chặt chẽ cho quá trình thu giữ nhằm tránh nguy cơ xảy ra mất an ninh, trật tự xã hội, tránh việc thu giữ tài sản xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Trường hợp việc thu giữ TSĐB xảy ra tranh chấp thì sẽ phải ra tòa. Điểm thay đổi quan trọng để tránh tình trạng ra tòa hàng chục năm mới xử lý xong, Nghị quyết quy định tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. 

Theo luật sư Bùi Quang Tín, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về TSĐB sẽ giúp TCTD rút ngắn được thời gian xử lý TSĐB, giảm tổn thất cho ngân hàng. “Thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ khi đưa ra tòa án nhờ việc rút gọn thành phần xét xử, thời gian xét xử, trình tự thủ tục xét xử”, luật sư Bùi Quang Tín cho biết. 

Theo các chuyên gia, Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ tác động rất tích cực đến các ngân hàng nói riêng, qua đó giúp hỗ trợ nền kinh tế nói chung khi lãi suất ngân hàng có thể giảm trên bình diện chung. Cụ thể, xử lý nợ xấu tốt sẽ giúp ngân hàng giảm được chi phí dự phòng rủi ro. Và điều quan trọng là người đi vay sẽ có ý thức hơn trong việc vay vốn khi các ràng buộc về xử lý tài sản đảm bảo được quy định rõ ràng hơn.

Việc trao các cơ chế cho ngân hàng, tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu trong Nghị quyết xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ giúp “rã đông” tảng băng nợ xấu. Trong đó, có các quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng…