Quyết xóa nợ xấu, ngân hàng ráo riết thu hồi tài sản bảo đảm

ANTD.VN - Các ngân hàng đã liên tục đưa ra các thông báo thu hồi tài sản bảo đảm đối với các khách hàng chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Thống kê sơ bộ, sau khi VAMC công bố thu giữ khối tài sản bảo đảm là dự án Saigon One Tower có giá trị 7.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, trong vòng khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, các ngân hàng cũng đã ra hàng trăm thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Quyết xóa nợ xấu, ngân hàng ráo riết thu hồi tài sản bảo đảm ảnh 1Dự án Saigon One Tower là tài sản bảo đảm lớn nhất đến nay bị thu giữ theo Nghị quyết 42

Hàng trăm quyết định thu hồi tài sản bảo đảm

Mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã ra thông báo thu hồi tài sản bảo đảm của bà H.T.T.H và ông P.T.T (Hà Nội) cho khoản nợ hơn 8 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 3,5 tỷ đồng, lãi 1,3 tỷ đồng, lãi quá hạn gần 3,5 tỷ đồng). Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền sử dụng 467m2 sàn tại tòa nhà JSC trên đường Khuất Duy Tiến. Trước đó, từ 28-8 đến 20-9, ngân hàng này cũng đã ra 6 quyết định thu giữ tài sản bảo đảm. 

Mới đây, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã ra thông báo thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản vay đối với Công ty TNHH Sreng (Hà Nội). Tài sản thu giữ là 3 xe ô tô nhãn hiệu Toyota. Trước đó, ngân hàng này cũng đã có quyết định thu giữ tài sản bảo đảm của ông C.M.S và bà L.T.B.N (Hà Nội) để xử lý cho khoản nợ đã quá hạn 5 năm với dư nợ gốc hơn 6,3 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt hơn 5,2 tỷ đồng. Tài sản bị thu giữ là quyền sử dụng 92m2 đất ở và các tài sản gắn liền với đất của gia đình ông S, bà N tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ ngày 20-8 đến nay cũng đã ra 10 thông báo thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản và hàng chục tài sản là xe của các khách hàng chủ yếu trên địa bàn Hà Nội để chuẩn bị chào bán thông qua đấu giá.

Nhiều ngân hàng cũng đã ra các thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm. Ngày 12-9, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thủ Đức, TP.HCM ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là diện tích đất tọa lạc tại phường 5, TP Vũng Tàu với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỷ đồng. 

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thuộc Ngân hàng      Agribank ngày 19-9 cũng đã ra thông báo tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng. 

Còn nhiều khó khăn

Theo thống kê, ngay sau “phát súng” đầu tiên của VAMC, hàng trăm quyết định thu giữ tài sản bảo đảm đã được phát đi. Theo các chuyên gia, khi ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm sẽ hỗ trợ rất nhiều trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc thực hiện không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi có đến 85% tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là bất động sản. 

Chuyên gia ngân hàng, luật sư Bùi Quang Tín cho biết, những khó khăn trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm có thể đến từ việc khách hàng không hợp tác giao tài sản bảo đảm; khách hàng không đồng ý với mức giá được định giá cho tài sản; hoặc cũng có thể tính pháp lý của tài sản bảo đảm có vấn đề nhưng trước đó ngân hàng vẫn giải ngân khoản vay... Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ phải cần đến sự phối hợp của các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, công an, tòa án...

Đó là chưa kể, việc định giá đúng và đặc biệt là bán đấu giá tài sản bảo đảm nhất là những tài sản là bất động sản có giá trị lớn không hề dễ dàng. Đơn cử như việc bán đấu giá dự án V-Ikon vốn là dự án tòa nhà văn phòng được quảng cáo là thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hạng A trên khu đất rộng hơn 1.100m2 và là một trong số ít cao ốc nằm ở khu trung tâm TP.HCM có bãi đáp trực thăng. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, dự án vẫn “đắp chiếu” do chủ đầu tư không có khả năng tài chính để hoàn thiện. 

Lần bán đấu giá này, Agribank AMC đưa ra mức khởi điểm thấp hơn 54 tỷ đồng so với lần chào bán hồi tháng 5-2017. Tuy nhiên, đến phút chót, do không có nhà đầu tư nào quan tâm nên buổi đấu giá đã không thể tổ chức. 

Theo quy định, sau khi thu hồi thì tài sản đó sẽ được đưa ra định giá và tiếp theo là bán đấu giá. Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng bán theo giá thị trường, tức có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc để giúp ngân hàng đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu.

Tuy nhiên, đại diện một ngân hàng cho biết việc thu hồi tài sản bảo đảm là giải pháp cuối cùng, bởi khi có sự hợp tác của khách hàng thì ngân hàng sẽ vừa thu hồi được nợ vừa giúp khách hàng có thể bán được tài sản với giá trị tốt nhất để trả nợ. Bởi khi một tài sản bị phát mại, mang ra đấu giá thì chắc chắn sẽ khó được giá tốt.