Quyết tâm làm trong sạch thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng loạt “đại gia” bất động sản, chứng khoán bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thao túng thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản những ngày qua khiến dư luận xôn xao. Điều này là cần thiết nhằm trong sạch thị trường tài chính, lành mạnh hóa nền kinh tế.

Thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại nghiêm trọng

Ngày 29-3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này nhằm thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức; Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên… thì bị phạt tiền từ 2 đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 2 đến 10 tỷ đồng; bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 đến 3 năm… thậm chí có thể bị đình chỉ vĩnh viễn.

Một trong những dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Một trong những dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

“Như vậy, thao túng thị trường chứng khoán là hành vi của người vi phạm quy định về quản lý thì trường chứng khoán nhằm mục đích thu lợi bất chính. Đây được hiểu là những hành vi như: Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán” - luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Thực chất thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo là thủ đoạn của một số người đã thống nhất với nhau để mua đi bán lại, nhưng chỉ là mua bán giả nhằm tạo ra cung cầu giả trên thị trường. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán thì người thực hiện một trong những hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Việc khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây cho thấy quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh thị trường tài chính. Những động thái quyết liệt đó không những không ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư mà ngược lại còn giúp họ tin tưởng hơn vào sự quản lý, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cơ quan quản lý.

Các hành vi trên xâm phạm đến hoạt động quản lý giá chứng khoán, người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Với những vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì áp dụng mức phạt tiền tối đa 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, 3 tỷ đồng với tổ chức vi phạm. Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định, các hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ phạt tiền gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật, nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2, Điều 5 của Nghị định này đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Điều đáng nói là, sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ 5 tháng giao dịch chứng khoán vì bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC hồi tháng 1-2022, ông Trịnh Văn Quyết vẫn tiếp tục có hành vi thao túng đẩy giá cổ phiếu lên. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là số tiền phạt vài tỷ đồng không thấm tháp gì so với số tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu trót lọt” - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh. Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, nhiều nước trên thế giới xử phạt hành vi thao túng chứng khoán rất nghiêm khắc. Tại Mỹ, cá nhân phạm tội thao túng chứng khoán có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, phạt tiền lên đến 5 triệu USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngoại trừ việc xử lý hình sự, số tiền phạt vài tỷ đồng còn khá khiêm tốn. Để tăng tính răn đe cần quy định chế tài xử phạt theo phần trăm tổng số tiền dùng để thao túng cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm trong kinh doanh

Ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm trong kinh doanh

Thời gian qua, không ít chủ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhưng lại “siêng năng” trong việc “thổi” giá cổ phiếu lên cao rồi bán ra nhằm thu lợi bất chính. Với nhiều nhà đầu tư, sự không minh bạch đang là rào cản ngăn họ bước vào thị trường chứng khoán. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm làm trong sạch thị trường.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân

Ngoài Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố, ngày 5-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo CQĐT, từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. “Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác mà tổng giá trị tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải đối mặt với mức án 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân. Với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Đỗ Anh Dũng có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân” - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Về trách nhiệm dân sự, Tân Hoàng Minh phải hoàn trả số tiền 10.300 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đã mua trái phiếu của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị này không còn khả năng trả bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp sẽ được sử dụng để thanh toán nợ. Luật sư Hồng Vân cũng cho rằng, thực tế hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp tồn tại không ít loại “trái phiếu 3 không”: Không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Đây là ẩn họa rất lớn cho các nhà đầu tư, cho thị trường bất động sản và cả nền tài chính. Vụ án Tân Hoàng Minh đã cho thấy hệ lụy của việc sử dụng nguồn tiền huy động từ trái phiếu doanh nghiệp sai mục đích. Việc “quét sạch” trái phiếu “rác” là cần thiết nhằm trả lại đúng nghĩa đây là một kênh huy động vốn trong sạch cho doanh nghiệp.

Vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo phương thức riêng lẻ bùng nổ khi nhu cầu vốn tăng lên, nhu cầu đầu tư cũng tăng theo. Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cần nhanh chóng đưa thêm các công ty xếp hạng tín nhiệm có chất lượng đi vào hoạt động, tạo sự cạnh tranh, tránh tình trạng độc quyền. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc công khai minh bạch về tài chính, có các tài sản đảm bảo chắc chắn. “Việc khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây cho thấy quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh thị trường tài chính. Những động thái quyết liệt đó không những không ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư mà ngược lại còn giúp họ tin tưởng hơn vào sự quản lý, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cơ quan quản lý” - luật sư Hồng Vân khẳng định.