Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 10:

Quyết liệt thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế

ANTĐ - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28-10, nhiều vấn đề “nóng” như tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước, quản lý giá vàng, kiểm soát thị trường bất động sản, điều chỉnh lương… vẫn là trọng tâm. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để giải quyết các vấn đề này, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Chính phủ sẽ quyết liệt trong ổn định giá cả, đảm bảo an sinh xã hội

Ảnh: PHÚ KHÁNH

CPI tiếp tục tăng

Theo thông cáo của Chính phủ, trong tháng 10-2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,85% so với tháng trước. Trong đó, nhóm thuốc và giá dịch vụ y tế tăng 5,94%, giáo dục tăng 1,18%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,09%. Các nhóm hàng khác đều có mức tăng CPI dưới 1%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Như vậy, bình quân 10 tháng đầu năm, CPI tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2011. Tại phiên họp diễn ra cùng ngày, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, chỉ số CPI tháng này vẫn còn ở mức khá cao (0,8%), cho nên cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát như kế hoạch cả năm đã đề ra là không quá 8%. 

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất phương án điều hành từ nay đến cuối năm phải rốt ráo thực hiện các giải pháp đã có về ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay lại. Cùng đó, tập trung xử lý nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng thương mại đối với từng doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giảm sở hữu chồng chéo. 


Duy trì dưới 10 tập đoàn, tổng công ty

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong Nghị định mới sẽ phân định rõ tập đoàn nào Thủ tướng sẽ có trách nhiệm và quyền hạn trực tiếp, tập đoàn nào thì quyền hạn và trách nhiệm được Thủ tướng giao cho các bộ. Hiện nay còn 11 tập đoàn kinh tế và 10 tổng công ty Nhà nước. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ trực tiếp, duy trì quyền hạn, trách nhiệm ở một số ít tập đoàn, còn lại sẽ giao cho các bộ, ngành quản lý. “Danh sách cuối cùng về số lượng các tập đoàn sẽ được duy trì là bao nhiêu, là tập đoàn nào, Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận, góp ý, thông qua. Tuy nhiên, chắc chắn con số 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, thời gian tới sẽ được rút xuống còn dưới 10”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT muốn chuyển Vinashin cho Bộ này quản lý, Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Hậu quả của Vinashin để lại rất lớn nên cần phải tổ chức tái cơ cấu. Hiện Chính phủ đã trình Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đang yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề ở tập đoàn này trước khi đi đến quyết định”. Còn việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đã được thực hiện đến đâu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Chính phủ đã lập Hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch, một Thứ trưởng Bộ Công Thương làm thành viên. Trong tháng 11 tới Hội đồng sẽ có cuộc họp chính thức trước khi công bố kết luận”.

Tìm đầu ra cho thị trường bất động sản

Nói về những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, hiện lượng hàng hóa bất động sản tồn kho rất lớn. Trong các giải pháp tháo gỡ cần phải tính đến giải pháp mà hiệu quả đem lại là “một công đôi việc”, nghĩa là phải điều chỉnh giá bất động sản ra sao để hàng tồn kho tiêu thụ được, trong khi người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở cũng có thể tiếp cận. Ngoài giải pháp hạ giá thành  thì Chính phủ cũng đồng ý với giải pháp chia nhỏ nhà để bán, làm mọi biện pháp để tạo điều kiện cho người dân có thể sở hữu 1 căn hộ, dù diện tích nhỏ. “Với các doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ khó khăn cho họ. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp cần chia sẻ với nhau, làm sao bất động sản được đưa về giá thực của nó”, ông Vũ Đức Đam cho biết. 

Tiết kiệm để có nguồn tăng lương

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, theo lộ trình, ngày 1-5 sẽ điều chỉnh tăng lương công chức nhưng xét về thu ngân sách năm nay và đầu năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ đã xin lùi thời gian tăng lương trong năm 2013. Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với bộ phận người làm công ăn lương từ ngân sách Nhà nước, đa phần hiện có thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn. Một mặt Chính phủ sẽ phấn đấu tăng thu, mặt khác cố gắng tiết kiệm chi, cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên để ngay sau khi cân đối được nguồn sẽ điều chỉnh tăng lương. 

Tin cùng chuyên mục