Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời gian qua, trước tình hình cháy, nổ có diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, cơ sở; đẩy mạnh hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện các “điểm nóng”, gây bức xúc trong dư luận để tham mưu chính quyền địa phương có biện pháp cứng rắn, giải quyết dứt điểm các vi phạm về PCCC trên địa bàn.
  • Cháu bé được "người hùng" cứu thoát trong vụ cháy ở quận Hoàng Mai

    Cháu bé được "người hùng" cứu thoát trong vụ cháy ở quận Hoàng Mai

Phát huy hiệu quả mô hình an toàn PCCC tại cơ sở

Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm tăng cường công tác PCCC&CNCH mùa hanh khô, tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và sơ kết công tác quý I/2022 của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP đã biểu dương nhiều đơn vị có sáng kiến, cách làm hay, lan toả các mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư có hiệu quả, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Bộ Công an, và Thành uỷ, UBND thành phố, CATP về tăng cường các biện pháp an toàn PCCC, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Mặc dù các đơn vị thực hiện tốt là Công an các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì, Hoài Đức, Sơn Tây…, nhưng trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 131 vụ cháy, trong đó có vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, làm 3 người chết.

Loại hình xảy ra cháy chủ yếu là nhà dân đơn lẻ, nhà dân kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất chiếm trên 60%; nguyên nhân chủ yếu do sự cố thiết bị điện chiếm gần 50%.

Đồng chí Phó Giám đốc CATP chỉ ra tồn tại và hướng khắc phục, do nhận thức người dân chưa đồng đều, còn hạn chế, cùng với việc các cơ sở kinh doanh, nhà xưởng, nhà ở kết hợp nơi kinh doanh, sản xuất còn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, do đó các đơn vị tiếp tục bám sát địa bàn, rà soát, hướng dẫn người dân mở lối thoát hiểm thứ 2 trong ngôi nhà và tuân thủ biện pháp an toàn PCCC.

CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ hai trong ngôi nhà của gia đình

CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ hai trong ngôi nhà của gia đình

Với biện pháp chủ động triển khai hướng dẫn, kiểm tra an toàn, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, hướng dẫn cơ sở tự tổ chức thực tập phương án và phối hợp thực tập phương án đối với cơ sở tại địa bàn đã được phân cấp, quản lý theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP như các đơn vị đang làm, để cơ bản kéo giảm được các vụ cháy.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân vef an toàn PCCC là mấu chốt, đảm bảo hiệu quả PCCC cao.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong thời gian qua, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, ngừa cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 247 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra an toàn PCCC 10.531 lượt cơ sở, kiến nghị cơ sở khắc phục 1.313 tồn tại thiếu sót, ra quyết định xử phạt 564 trường hợp/ 682 lỗi vi phạm, tạm đình chỉ 134 lượt cơ sở, đình chỉ 202 lượt cơ sở.

Bên cạnh đó là công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC về PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an cấp huyện được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng và trước hạn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

CAQ Nam Từ Liêm thực tập kỹ năng xử lý tình huống cháy cho lực lượng chữa cháy cơ sở

CAQ Nam Từ Liêm thực tập kỹ năng xử lý tình huống cháy cho lực lượng chữa cháy cơ sở

Xác định phong trào toàn dân tham gia an toàn PCCC là thế mạnh để phát huy phương châm 4 tại chỗ trong phòng ngừa, chữa cháy, dập lửa, các đơn vị ra mắt nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả đã và đang tiếp tục được nhân rộng như: “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu”, “Triển khai lắp đặt phương tiện chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu của quận Hoàn Kiếm", “Khu dân cư an toàn PCCC” trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì…

Đặc biệt, mô hình “Tổ PCCC sử dụng xe ba gác chữa cháy lưu động tại làng nghề xã Hữu Bằng” trên địa bàn huyện Thạch Thất đang phát huy tác dụng trong nhiệm vụ chữa cháy ban đầu và cũng chính là lực lượng có vai trò quan trọng trong PCCC.

Huy động sức mạnh tổng hợp phòng ngừa cháy, nổ

Teo chỉ đạo của CATP, để công tác PCCC đạt hiệu quả, các đơn vị tiếp tục tập trung tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch chuyên đề công tác PCCC và CNCH của Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Trong đó, trọng tâm là Đề án Tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

CAH Gia Lâm phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát họng nước chữa cháy tại địa bàn

CAH Gia Lâm phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát họng nước chữa cháy tại địa bàn

Bởi lẽ, loại hình cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì ý thức người dân còn chủ quan, cộng với việc người dân mải mưu sinh nên các biện pháp an toàn PCCC trong gia đình bị lãng quên.

Nhằm kiềm chế nguy cơ xảy cháy tại các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị đã rà soát, phát hiện nhiều cơ sở được người dân thuê làm nơi kinh doanh, nên tận dụng không gian hạn hẹp để bày biện đồ đạc, nhiều hộ chất đồ không chỉ chiếm hết lối thoát nạn duy nhất là cầu thang bộ, mà còn xếp hàng lên cao tới trần tầng 1, tầng 2.

Do đó, khi xảy cháy các đồ vật bị đổ xuống, vùi lấp chặn lối thoát nạn dẫn đến nguy cơ đe doạ tính mạng. Chỉ huy CAQ Hoàng Mai khuyến cáo: “Việc tuyên truyền mở lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà là cứu cánh cho sinh mạng khi xảy hoả hoạn. Đơn vị đang tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn tại nơi thuận tiện trong nhà. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp tập huấn, tuyên truyền để người dân có kỹ năng tự cứu mình trong trường hợp gặp nguy hiểm”.

Vụ việc “người hùng” cứu bé gái thoát chết trong đám cháy ở quận Hoàng Mai xảy ra vào 12-1-2022 là minh chứng cho thấy, hiệu quả của việc tuyên truyền mở lối thoát nạn thứ 2 trong ngôi nhà...

“Qua các vụ cháy và cứu nạn nhân thành công vừa qua cho thấy việc chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, CNCH là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên các đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn quản lý, nhân rộng cách làm hay, mô hình mới về điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH theo hướng thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền về PCCC&CNCH trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tổ chức tuyên truyền, vận động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với “Phong trào toàn dân PCCC”- Đại tá Trần Ngọc Dương chỉ đạo.

CAQ Hoàn Kiếm tặng bình chữa cháy, phát huy hiệu quả mô hình chữa cháy tại khu dân cư

CAQ Hoàn Kiếm tặng bình chữa cháy, phát huy hiệu quả mô hình chữa cháy tại khu dân cư

Theo đồng chí Phó Giám đốc CATP, các đơn vị cần tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, cơ sở; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, nhất là các hoạt động kiểm tra liên ngành; kịp thời phát hiện các “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp về PCCC, gây bức xúc trong dư luận để tham mưu chính quyền địa phương có biện pháp cứng rắn, giải quyết dứt điểm các vi phạm về PCCC trên địa bàn.

Đối với việc xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, phải kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn PCCC.