Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

ANTĐ - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về kế hoạch phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại chiều 2-10. 

Quyết liệt tái cơ cấu để sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Báo cáo Thủ tướng về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tính đến nay, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại 27/96 đơn vị. Trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoàn thành thoái vốn tại 12 đơn vị. Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2014-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những kết quả đạt được của ngành công thương trong 9 tháng năm 2014.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để ngành có khả năng cạnh tranh cao hơn”. Theo Thủ tướng, cần quyết liệt thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước để tạo ra nhiều chủ sở hữu năng động hơn cho doanh nghiệp. Từ đó, phải thực hiện đổi mới công nghệ, giảm dần gia công, lắp ráp, nâng cao năng suất lao động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, tạo ra sức cạnh tranh mạnh hơn. Thủ tướng yêu cầu, ngành công thương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nhận định, với mục tiêu đạt xuất khẩu tăng 10%, cả năm phải đạt 145,4 tỷ USD, nếu không có gì đột biến, khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt 148-150 tỷ USD, tăng khoảng 12-13,5% so với năm 2013, cao hơn mục tiêu đề ra. Nhập khẩu dự kiến tăng 11%, đạt 146,5 tỷ USD. Xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD cả năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, những kết quả đạt được nêu trên của ngành công thương là rất đáng khích lệ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải chủ trì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm nhập siêu. Đồng thời, đẩy mạnh việc điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu, than… theo thị trường, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý, điều hành để người dân hiểu rõ. Bên cạnh đó, ngành công thương cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát tốt thị trường, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại để sản xuất trong nước phát triển.