"Quyết định sáng suốt" làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình của chính sách quốc phòng Việt Nam

ANTD.VN - Chính sách quốc phòng “bốn không” thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam mà không sử dụng vũ lực, được đưa ra trong Sách trắng quốc phòng 2019, tiếp tục được các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. 

Phát biểu trong lễ công bố Sách trắng quốc phòng, nói về những điểm mới trong Sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ chính sách “ba không” trước đây, nay có thể được hiểu một cách đầy đủ và chính xác hơn thành “bốn không”, là: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 

"Quyết định sáng suốt" làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình của chính sách quốc phòng Việt Nam ảnh 1Quân đội Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan

Chiến tranh, vũ lực không bao giờ là công cụ mà Việt Nam áp dụng trong quan hệ quốc tế

Theo Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), việc Việt Nam thêm “một không” vào chính sách “ba không” trước đây là “quyết định sáng suốt”. Nhất là khi nguyên tắc “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” được nhắc tới vào thời điểm quan trọng trước thềm năm 2020, thời điểm Việt Nam bắt đầu vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, vừa là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. 

“Cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực” được xem là nguyên tắc có tầm quan trọng bậc nhất trong tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ 2, nơi con người phải chịu đựng “nỗi đau đớn không nói thành lời”, yêu cầu hạn chế và ngăn chặn vũ lực một cách mạnh mẽ và hiệu quả đòi hỏi phải có những cơ chế bảo đảm và giám sát thực hiện hiệu quả hơn. 

Đáp ứng yêu cầu đó, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945 quy định “cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực” là một trong những nguyên tắc của tổ chức này, đồng thời giao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm giám sát việc thực thi. Từ đó đến nay, “không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực” được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi như là một nguyên tắc nền tảng của quan hệ quốc tế. Bổ sung thêm nguyên tắc này trong Sách trắng quốc phòng 2019, Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình trong vai trò thành viên LHQ, và đặc biệt là trong vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Việc bổ sung này giúp làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình của chính sách quốc phòng Việt Nam.

Đây là việc tiếp nối bản chất “yêu chuộng hòa bình”, một trong những truyền thống nổi bật, nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Nó xuất phát từ thực tế lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, khi dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc ta nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Chính vì thế, chiến tranh, vũ lực không bao giờ là công cụ mà Việt Nam áp dụng trong quan hệ quốc tế và với các nước. 

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng hợp tác quốc phòng, nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của mình, theo Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa, chính sách “bốn không” với điểm mới “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” giúp tăng thêm sự minh bạch trong chính sách quốc phòng của Việt Nam, đồng thời tạo lòng tin trong khu vực và quốc tế. Chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, không đe dọa ai, không xâm chiếm ai. Hợp tác quốc phòng với các nước khác nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự cũng phải dựa trên chiến lược “quốc phòng tự vệ”. Trong đó, Việt Nam chú trọng trang bị vũ khí có tính năng phòng thủ, không mua sắm vũ khí tiến công chiến lược.

Bảo vệ lợi ích đất nước trên cơ sở luật pháp quốc tế

Theo Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa, Sách trắng quốc phòng 2019 giúp làm rõ hơn quan điểm và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Liên quan tới vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Sách trắng nêu rõ: “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực…”.

Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam cũng đề cập rõ đến những thách thức mới, những nhân tố bất ổn, cả truyền thống và phi truyền thống, trong khu vực. Trong đó nổi lên là sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc lớn, của sự xuất hiện những nội dung mới, như: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, sáng kiến “Vành đai, Con đường”, “Chiến lược hành động hướng Đông”,... đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đối phó với những thách thức đó như thế nào? Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nội dung đưa ra trong cuộc họp báo công bố Sách trắng đã cho thấy cách thức giải quyết “vừa hợp tác vừa đấu tranh” của Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc ở vùng Nam Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer trích lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng: “Việt Nam tìm điểm tương đồng để cùng phát huy, cùng phát triển, nhưng chúng ta cũng mạnh dạn nêu ra điểm bất đồng, điểm khác biệt để đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Trong các đối tác, những mặt nào xâm hại đến chủ quyền quốc gia, đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta đấu tranh, không có khoan nhượng”. 

Đối với khu vực Đông Nam Á, các nước cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN, tiến tới việc ASEAN và Trung Quốc sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa, mặc dù đề cập đến những thách thức, căng thẳng, nhưng với việc đưa ra chính sách “bốn không”, Việt Nam vừa tránh để căng thẳng biến thành xung đột quân sự, mà vẫn duy trì lập trường kiên định về bảo vệ chủ quyền.

Việc Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa quân đội và đa dạng quan hệ quốc phòng cho thấy quyết tâm trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong lĩnh vực này, ông Olli Pekka Suorsa cho rằng, tuy Việt Nam quan tâm đa dạng hóa quan hệ đối ngoại quốc phòng nhưng tránh tham gia liên minh quân sự. Việt Nam coi trọng tăng cường hợp tác quốc phòng với cả Mỹ và Trung Quốc.