Quyết định nhân văn

ANTĐ - Trước nguyện vọng muốn được về nhà đón Tết cùng với người thân trước khi ra đầu thú của Bùi Sỹ Dân (26 tuổi, ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), các thành viên Ban chuyên án ST2014, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Đã Nẵng đã đưa ra quyết định: Đồng ý. Những ngày Tết Nguyên đán sau đó thay vì được đón Tết cùng gia đình thì toàn bộ trinh sát Ban chuyên án đã được huy động, bố trí mật phục xung quanh nơi ở của Bùi Sỹ Dân, theo sát mọi hoạt động của đối tượng đề phòng những tình huống bất ngờ nhất có thể xảy ra. 

Quyết định nhân văn ảnh 1Đối tượng Bùi Sỹ Dân tại trụ sở cơ quan điều tra

Thành tội phạm từ đám bạn xấu

Sinh ra trong một gia đình khó khăn, lại có đến 9 người con nên Bùi Sỹ Dân cũng giống như các anh chị em của mình sớm phải bươn chải kiếm sống để phụ giúp gia đình thay vì đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Thấy cuộc sống quanh quẩn với mảnh ruộng, cái cày, bữa đói bữa no mãi ở quê khó có thể khá được nên đến đầu năm 2013, Bùi Sỹ Dân xin phép bố mẹ cho mình rời quê để đi làm kinh tế. Thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng và bạn bè nói nhiều về một thành phố “đáng sống” nhất trên cả nước nên sau nhiều lần suy tính Bùi Sỹ Dân quyết định chọn Đà Nẵng để lập nghiệp cùng với hy vọng đổi đời. 

Trái ngược với mọi tính toán của Bùi Sỹ Dân, do không được học hành đến nơi đến chốn, không có nghề trong tay nên chàng thanh niên mới lớn không xin nổi một công việc ổn định. Để có tiền chi trả sinh hoạt, tiền thuê trọ, Bùi Sỹ Dân đã xin làm phụ hồ ở các công trình và khuân vác ở chợ đầu mối lúc rảnh rỗi. Thế nhưng, do công việc bấp bênh không ổn định nên thu nhập của Dân không đủ trang trải cho cuộc sống ở thành phố chứ đừng nói đến việc gửi về phụ giúp cuộc sống của bố mẹ già ở quê.

Trong lúc chán nản với cuộc sống vất vả từ sáng đến tối mịt, cứ ráo mồ hôi lại hết tiền thì Dân được một người bạn đồng hương mới quen giới thiệu cho một công việc ở làng đá Non Nước, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. 

Tại đây, trong những lần đi uống cà phê ở gần phòng trọ Bùi Sỹ Dân bắt đầu quen biết với một số người đồng hương Thanh Hóa là Đặng Xuân Hiệu, Nguyễn Văn Sơn, Lê Quang Tài và Lường Văn Hưng. Sau vài lần gặp, Bùi Sỹ Dân bắt đầu nảy sinh thắc mắc rằng tại sao những người bạn mới quen của mình lúc nào cũng thảnh thơi, quần là áo lượt, tiền tiêu rủng rỉnh trong khi chẳng thấy họ làm gì. Trong lúc còn hoài nghi thì Đặng Xuân Hiệu đã xóa tan sự tò mò của Dân khi “mời” Dân thực hiện các vụ “ăn đêm”. Lóa mắt trước những hứa hẹn về chuyện tiền bạc của Đặng Xuân Hiệu nên Bùi Sỹ Dân đã gật đầu đồng ý tham gia.

Lần đầu tiên theo cả nhóm đi “ăn đêm”, sau khi đến địa điểm đã được lựa chọn kỹ càng từ trước đó Bùi Sỹ Dân được Đặng Xuân Hiệu giao “nhiệm vụ” cảnh giới từ xa. Trong khi đó, Hiệu cùng với các đối tượng còn lại sử dụng kìm cộng lực cắt 350m cáp điện. Toàn bộ số cáp điện trên được Bùi Sỹ Dân và đồng bọn bóc vỏ nhựa rồi mang bán phế liệu lấy tiền chia nhau. Trong vụ này, cả nhóm kiếm được 12 triệu đồng, trong khi tổng thiệt hại chúng gây ra cho Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng là hơn 77 triệu đồng.

Một tháng sau, Bùi Sỹ Dân tiếp tục tham gia cùng đồng bọn dùng xà-beng, xẻng, kìm cộng lực cắt 3 đoạn dây điện lấy lõi đồng bán được 7 triệu đồng nhưng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 300 triệu đồng. Vụ thứ ba diễn ra vào tháng 12-2013, các đối tượng đã cắt 900m dây cáp điện ngầm lấy lõi đồng đem bán được 20 triệu đồng chia nhau, gây tổng thiệt hại hơn 330 triệu đồng.

Đầu năm 2014, khi về quê đón Tết Nguyên đán cùng với gia đình, Bùi Sỹ Dân đã quyết định ở hẳn lại quê. Quay lại cuộc sống khó khăn ở quê, cha mẹ đã già, lại mới lấy vợ nên Bùi Sỹ Dân quyết định sang Trung Quốc làm thuê cùng với bạn bè. Đến tháng 4-2015, thì Bùi Sỹ Dân nhận được thông tin Đặng Xuân Hiệu cùng đồng bọn bị bắt, còn bản thân mình thì đang bị truy nã về hành vi hủy hoại tài sản quốc gia. Biết không thể mãi sống ngoài vòng pháp luật, nhưng vì kinh tế nên Bùi Sỹ Dân đã quyết định cố lưu lại xứ người làm thuê kiếm thêm ít tiền gửi về cho vợ để chăm lo cho đứa con mới sinh của mình. 

Mở lòng tin giúp người lầm lỡ

Thời điểm đó, nhận được yêu cầu truy bắt đối tượng Bùi Sỹ Dân của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Đà Nẵng; Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.Đà Nẵng đã quyết định thành lập Ban chuyên án ST2014, huy động những trinh sát dày dặn kinh nghiệm nhất tham gia Ban chuyên án nhằm truy bắt bằng được đối tượng đang trốn nã trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình xác minh thông tin, tìm hiểu các mối quan hệ của Bùi Sỹ Dân, các trinh sát nhận định có thể tác động để đối tượng ra đầu thú sẽ hiệu quả hơn là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tổ chức vây bắt. 

Là người trực tiếp đến nhà Bùi Sỹ Dân ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa xác minh, Đại úy Cao Lê Duy Hùng, trinh sát Ban chuyên án cho biết: “Gần một tuần bí mật về nhà đối tượng tìm hiểu, chúng tôi được biết đối tượng không nghe lời một ai, chỉ trừ một người anh trai trong gia đình. Ngay lập tức chúng tôi quyết định đề xuất lên lãnh đạo phòng cũng như Ban chuyên án đưa ra phương án vận động đối tượng ra đầu thú thay vì tổ chức vây bắt như phương án ban đầu”.

Thông qua người anh trong gia đình Bùi Sỹ Dân tác động, khuyên nhủ, đồng thời cũng thông qua người anh trai, Đại úy Cao Lê Duy Hùng đã trao đổi trực tiếp với Dân qua điện thoại, từ đó phân tích, vận động Bùi Sỹ Dân sớm ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật.

Tin tưởng vào những điều mà anh trai cũng như Đại úy Cao Lê Duy Hùng nói qua điện thoại nên Bùi Sỹ Dân đã đồng ý ra đầu thú. Nhưng y cũng khẩn thiết đề đạt nguyện vọng được về nhà đón Tết với mẹ già, con nhỏ vài ngày trước khi ra đầu thú. Do Bùi Sỹ Dân là đối tượng phạm tội trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm nên các thành viên Ban chuyên án đã phải tính toán rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Sau mọi suy tính, một mặt Ban chuyên án đã đồng ý cho đối tượng Bùi Sỹ Dân được về nhà đón Tết với gia đình; mặt khác Đại úy Cao Lê Duy Hùng cùng các cán bộ trinh sát trong Ban chuyên án vẫn luôn bám sát, theo dõi sát sao mọi di biến động của đối tượng. Vậy là trong suốt những ngày Tết Nguyên đán sau đó, tất cả các trinh sát trong Ban chuyên án phải túc trực 24/24h, luân phiên nhau có mặt thực hiện các phương án, giám sát đối tượng ngay khi Bùi Sỹ Dân từ Trung Quốc trở về. 

Chia sẻ về quyết định của mình, Đại úy Cao Lê Duy Hùng cho biết: “Chúng tôi biết việc chấp nhận cho đối tượng được đón Tết đoàn viên với gia đình thì đồng nghĩa với việc các trinh sát sẽ phải vất vả hơn, ngày Tết không được trọn vẹn. Nhưng dẫu vất vả để mở lòng tin cho một con người lầm lỡ đang muốn làm lại cuộc đời cũng là việc nên làm”.

Niềm tin của lãnh đạo Ban chuyên án, cũng như các trinh sát đặt không lầm chỗ khi đúng 6h sáng ngày 19-2, Bùi Sỹ Dân đã thuê “xe ôm” đi đến trụ sở Công an TP Đà Nẵng đầu thú. Dù biết bản thân mình sẽ phải trả giá đắt cho những sai lầm trong quá khứ, nhưng Bùi Sỹ Dân cảm thấy thanh thản hơn. Bởi Bùi Sỹ Dân hiểu không thể trốn chạy được mãi, không thể sống hết phần đời còn lại trong trạng thái nơm lớp lo sợ bị bắt mỗi khi thức dậy. Chỉ có ra đầu thú, trả nợ cuộc đời, trả nợ lỗi lầm do mình gây ra thì lòng mới thanh thản, mới sớm được đoàn tụ gia đình, quyết tâm làm lại cuộc đời.