Quyết định hợp lòng dân

ANTD.VN - Trong tuần qua, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Đây là một nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội  quyết định bổ sung vào chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này. Đề xuất dừng triển khai dự án khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi thực tế dự án đang được tiến hành và đã có hàng nghìn tỷ đồng được chi ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết, dự án được trình dừng là bởi sau một thời gian triển khai đầu tư, báo cáo khả thi dự án cho thấy tổng mức đầu tư quá cao, tăng gần gấp đôi dự kiến ban đầu. Giá điện dự tính cũng tăng gấp đôi. Tính khả thi của dự án không còn nữa. Ngoài ra, còn một số vấn đề dù trước đây đã lường trước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là sau vụ Formosa. 

Được biết, dự án được thông qua với tổng công suất trên 4.000 MW, dự kiến khởi công năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào hoạt động trong năm 2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán ở giai đoạn hiện nay tổng mức đầu tư phải lên tới hơn 400.000 tỷ đồng, chưa kể việc chậm trễ có thể đội vốn lên cao nữa. 

Dừng hay tiếp tục triển khai dự án là câu hỏi được đặt ra trong một bài toán kinh tế. Và khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội thì phần nào có thể thấy câu trả lời đã được đưa ra. Các chuyên gia thì khẳng định, dừng ngay lúc này là hợp lý, bởi nếu tiếp tục triển khai rồi mới dừng thì sẽ tiêu tốn gấp bội phần. Đáp án này cũng phù hợp với các bài toán kinh tế bởi cuối cùng chính là tính hiệu quả. Nếu tiếp tục đổ tiền vào bằng ý chí mà thiếu tính toán về mặt thị trường chẳng khác nào đi vào những vết xe đổ mà hàng loạt dự án nghìn tỷ mắc phải. 

Không những vậy, còn có một thực tế mà chúng ta phải nhìn rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang nói lời “chia tay” với các dự án điện hạt nhân. Ví dụ như Nam Phi đã chuẩn bị xong nhưng đã dừng lại. Hay như tại Đức, đất nước có nền khoa học, công nghệ phát triển cũng đã quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân và dự kiến xóa sổ năng lượng hạt nhân vào năm 2022 trước những lo ngại về vấn đề môi trường cũng như an toàn. Điều này cho thấy, phát triển năng lượng hạt nhân không phải là xu hướng của tương lai. Vậy việc dừng triển khai dự án điện hạt nhân của Việt Nam ở khía cạnh nào đó có thể xem là thức thời.

Việc trình dừng dự án nói trên cũng gợi nhớ tới một quyết định của Chính phủ đưa ra hồi năm 2014. Đó chính là quyết định rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 tại Hà Nội. Ở thời điểm đó, hàng loạt ý kiến từ người dân, chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình. Quyết định này được đánh giá là hợp lòng dân. 

Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã có hàng nghìn tỷ đồng được chi ra, dừng lại đồng nghĩa với thiệt hại. Đau xót không? Dĩ nhiên là có. Vấn đề trách nhiệm rồi cũng sẽ được Chính phủ xem xét thấu đáo. Nhưng quyết định dừng ở lúc này nói chính xác là một quyết định dũng cảm từ phía Chính phủ, và điều này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía nhân dân.