Quyền sinh, quyền sát của OPEC sắp không còn?

ANTĐ - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể không còn nắm quyền sinh quyền sát với loại nhiên liệu được ví như huyết mạch của nền kinh tế thế giới do các quốc gia ngoài tổ chức này đang đẩy mạnh khai thác nguồn vàng đen.
Quyền sinh, quyền sát của OPEC sắp không còn? ảnh 1
Các thành viên OPEC hiện đang giữ vai trò thống trị thị trường dầu mỏ thế giới
Cung ứng khoảng 30% tổng sản lượng dầu mỏ tiêu thụ với 24,84 triệu thùng/ngày chiếm 3/4 trữ lượng dầu mỏ của toàn thế giới, các thành viên OPEC có tiếng nói quyết định tới giá cả mặt hàng nhiên liệu chiến lược sống còn này. Cả thế giới luôn dõi theo từng động thái của OPEC bởi mỗi quyết định tăng hay giảm sản lượng khai thác của tổ chức này đều tác động tức thời tới giá dầu mỏ toàn cầu. Các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ cho rằng giá dầu thô trên 100 USD/thùng là quá cao và bất hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay. Song do các thành viên OPEC đã tìm cách duy trì mức giá cao này bằng cách tiết giảm và khống chế sản lượng dầu mỏ khai thác. Tuy nhiên, vai trò chi phối thị trường của OPEC đang đứng trước thách thức không nhỏ. Trong báo cáo về triển vọng năng lượng toàn cầu công bố ngày 13-12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, các quốc gia nằm ngoài OPEC, đặc biệt các nước ở khu vực Bắc Mỹ, sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy thị trường năng lượng thế giới vào năm 2016. Theo IEA, sản lượng dầu thô của các quốc gia ngoài OPEC, nhất là các nước ở châu Mỹ, sẽ tăng mạnh trong những năm tới do những nước này đẩy mạnh khai thác. Sản lượng dầu thô của Canada và Mỹ có thể sẽ lên tới gần 3 triệu thùng/ngày, Brazil và Colombia đạt 1,4 triệu thùng/ngày. Không nằm trong OPEC nhưng Nga hiện có vai trò rất quan trọng trên thị trường năng lượng thế giới. Bên cạnh việc là một trong những quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, Nga hiện đang khai thác lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới với sản lượng trên 10 triệu thùng/ngày so với sản lượng 9,5 triệu thùng/ngày của Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC. Trong khi đó, sản lượng khai thác của một số thành viên OPEC tại Trung Đông tỏ ra khá bấp bênh do tác động của các nhân tố chính trị hoặc bất ổn. Ví như trường hợp của Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC sau Arab Saudi, có thể bị giảm sản lượng khai thác khoảng 890.000 thùng/ngày và chỉ đạt dưới 3 triệu thùng/ngày vào năm 2016 do tác động của lệnh trừng phạt quốc tế. Có một nhân tố khác ngày càng quan trọng chưa được IEA đưa ra trong bản báo cáo ngày 13-12, đó là sự phát triển của thị trường năng lượng sạch và năng lượng tái sinh. Các nhà kinh tế LHQ và thế giới dự báo, tổng đầu tư toàn cầu vào phát triển năng lượng sạch sẽ tăng gấp đôi, từ mức 195 tỷ USD năm 2010 lên tới 395 tỷ USD vào năm 2020, trong đó tập trung đầu tư khai thác năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng Mặt trời. Với mức đầu tư này, tỷ lệ năng lượng sạch trong tổng năng lượng của thế giới sẽ tăng từ 12,6% năm 2010 lên 15,7% sau 20 năm. Sự lên ngôi của năng lượng sạch cùng việc đẩy mạnh khai thác dầu mỏ của các quốc gia ngoài OPEC sẽ làm lung lay vai trò chi phối của tổ chức này trên thị trường năng lượng toàn cầu trong tương lai.