Quyến rũ phố cổ đêm Hà Nội

ANTĐ - Từ khi tuyến phố đi bộ của Hà Nội được mở rộng sang cả Hàng Buồm, Mã Mây, khu vực này những đêm cuối tuần trở thành nơi thư giãn, cảm nhận cái hồn Hà Nội rõ nét nhất. Lang thang đêm để tận hưởng văn hóa của ông cha qua làn điệu ca trù, hát văn, rồi thấy cả nét văn hóa trời Âu khi nghe âm nhạc đường phố và không thể nào bỏ qua nghệ thuật ẩm thực Hà thành.

Quyến rũ phố cổ đêm Hà Nội ảnh 1Sinh hoạt ca trù của Giáo phường Thăng Long tại 28 Hàng Buồm đêm cuối tuần

Chừng ấy điều có lẽ khiến nhiều người tưởng tượng ra một không gian lộn xộn, xô bồ xen lẫn đủ thứ âm nhạc đông tây kim cổ bát nháo. Nhưng thực ra, phố cổ đêm Hà Nội lại ồn ào vui nhộn theo sự ngăn nắp rất giống… mái ngói lô xô. Nhác trông ngói cổ lô xô tưởng như bừa bộn nhưng lại có trật tự xếp lớp rất khoa học để hàng trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt. Bước vào khu phố cổ đêm cuối tuần, người ta có thể cảm nhận được hồn Hà Nội, càng rõ nét hơn trong cái lạnh đặc trưng của mùa đông miền Bắc.

Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc, nơi thờ thần Bách Nghệ là điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ ca trù Hà Nội do nghệ sỹ Bạch Vân đứng đầu, nhưng tuyến phố Hàng Bạc hiện vẫn chưa nằm trong khu phố đi bộ. Muốn nghe ca trù phải sang  đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm nơi giáo phường ca trù Thăng Long biểu diễn các tối cuối tuần. Tiếng tom chát bật ra dưới roi chầu của quan viên, nhạc sỹ Lê Thanh Bảo từng ví tiếng vụt roi chầu vào tang trống tạo nên tiếng “chát” hệt như tiếng vỗ đùi khen hay khi đào nương nhả chữ “ứ hự”. Rồi lại cảm nhận cả khí phách qua “Chí nam nhi” hay chí hiếu học của “Sinh con ra cho đi học chữ”. Buổi sinh hoạt hát ca trù chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ từ 8h tối nhưng cũng đủ để cảm nhận thế nào là “sống chậm”. Đền Quan Đế mấy năm nay, được trùng tu tôn tạo giữ nguyên hiện trạng nhà cổ, nghe tiếng đào nương gõ phách nhả chữ, hòa cùng tiếng đàn đáy đặc trưng “từng tưng tứng tứng” để nghe tiếng tom chát mà thướng thẻ trù.

Quyến rũ phố cổ đêm Hà Nội ảnh 2Chơi nhạc đường phố tại 87 Mã Mây

Bước chân ra khỏi đền Quan Đế, chúng tôi xuôi đền Bạch Mã, nơi có chương trình biểu diễn của nhóm những người yêu thích hát văn. Gần nửa đêm nghe văn Cô Chín mà thấy thương cô quá, mấy bà ngồi nghe cứ lẩm nhẩm “lạy cô”, rồi thướng tiền vào chiếc giỏ. Hát văn, âm nhạc tâm linh có giá trị truyền thống lâu đời. Nghe hát văn mà hiểu thêm về lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước của ông cha, lại được cảm nhận về nghệ thuật âm nhạc diễn xướng.

Dường như chìm đắm trong không gian âm nhạc truyền thống đã quá đủ, chúng tôi ngược trở lại nhà cổ 87 Mã Mây, hòa trong sự sôi động của ban nhạc đường phố với kèn tây, đàn 

Accordion, Violin. Khách du lịch nước ngoài nhún nhảy, dân ta thì vỗ tay theo từng bản nhạc “Tình ca du mục”, ngay cả “Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa lắm”. Cũng thật hấp dẫn khi tân nhạc được biểu diễn ngay trước mặt tiền ngôi nhà cổ nhất Hà Nội mà không hề thấy lạc lõng. Một du khách nước ngoài hứng chí mua nguyên 1 cây bóng bay rồi đem chia cho mọi người, quả bóng cuối cùng thì thả bay về trời.

22h tất cả các hoạt động âm nhạc đường phố được dừng lại trả lại sự yên bình cho phố cổ, các gia đình nơi đây bắt đầu dọn hàng đóng cửa. Du khách dù còn ham vui nhưng cũng đã bắt đầu thấy mệt, vậy là có khách cho ẩm thực đắt hàng. Ngồi bên quán nhỏ, dưới gốc cây già, cùng nhau thưởng thức nồi lẩu thơm lừng, nóng hổi mà xua đi cái lạnh đặc trưng của mùa đông Hà Nội. Chẳng phải cách cảm nhận Hà Nội đến tận cùng hay sao?