Quyền lực Nhà nước phải được kiểm soát

ANTĐ - Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp sửa đổi quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Đây là nội dung quan trọng, quy định bản chất và cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta. Nó thể hiện nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực Nhà nước. Sự kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện quyền lực Nhà nước là điều cần thiết và tất yếu bởi trong bản chất của quyền lực, nhất là quyền lực Nhà nước cho dù đã có sự thống nhất cao, phân công rõ ràng, có quan hệ phối hợp chặt chẽ thì nguy cơ lạm quyền vẫn có thể xảy ra nếu như cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước không được triển khai nghiêm túc và chặt chẽ. Quyền lực Nhà nước ở đây được hiểu là quyền lực của nhân dân trao cho các cơ quan Nhà nước tổ chức, thực hiện trên thực tế. Sở dĩ phải phân công thực hiện quyền lực Nhà nước là do bộ máy Nhà nước gồm các cơ quan có chức năng khác nhau nên phải có sự phân công hợp lý chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.  

Quy định trong Điều 4 Hiến pháp sửa đổi là sự kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Ngoài ra, Điều 4 còn bổ sung quy định về bản chất và trách nhiệm của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.