Quyền lợi thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 được đảm bảo như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với trên 23.000 thí sinh cả nước không thể dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội cũng có 167 trường hợp thuộc diện này. Điều phụ huynh học sinh lo lắng là đợt 2 sẽ được tổ chức ra sao và thí sinh có bị thiệt thòi trong việc xét tuyển đại học hay không.
Kết thúc thành công đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Bộ GD-ĐT đang lên phương án thi đợt 2 để đảm bảo quyền lợi cho hơn 23.500 thí sinh cả nước

Kết thúc thành công đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Bộ GD-ĐT đang lên phương án thi đợt 2 để đảm bảo quyền lợi cho hơn 23.500 thí sinh cả nước

Xây dựng đề thi tương đồng giữa các đợt

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 đã khép lại và được đánh giá là thành công, gọn nhẹ, thiết thực, đảm bảo mục tiêu “kép” vừa an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa nghiêm túc, khách quan, công bằng. Hiện tại, phụ huynh, học sinh và dư luận quan tâm về những thí sinh F0 không tham dự kỳ thi thì lấy điểm số nào để đăng ký xét tuyển đại học? Nếu dịch kéo dài thì thi đợt 2 sẽ tổ chức ra sao?

Tại buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chiều 8-7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2021 là 1.021.340 em, trong đó 981.773 em tới dự thi (đạt tỷ lệ 96,13%). Hiện cả nước còn 23.569 thí sinh (chiếm tỷ lệ 2.31%) chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng từ Covid-19. Các thí sinh này sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong thời gian tới. Theo ông Mai Văn Trinh, việc phải thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt đã nằm trong kịch bản tính toán của Bộ GD-ĐT và kế thừa kinh nghiệm của năm 2020 nên kỳ thi sẽ được thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng đề thi giữa các đợt tương đồng về độ khó để đảm bảo sự công bằng.

Để tổ chức thi đợt 2, các tỉnh, thành phải rà soát số lượng thí sinh thi còn lại, cùng tâm tư, nguyện vọng của các em, sau đó đề xuất lên Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia nhằm đưa ra thời điểm tổ chức kỳ thi đợt 2 phù hợp, phương án tổ chức thi an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Như năm ngoái, tỉnh nào có ít thí sinh thi đợt 2 có thể bố trí xe đưa đón các em đến tỉnh bên cạnh thi, không nhất thiết phải tổ chức một hội đồng thi.

Điều chỉnh lịch xét tuyển để xét tuyển chung kết quả 2 đợt thi

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, thí sinh F0 sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT, tuy nhiên các em chưa thể tham gia xét tuyển đại học với chỉ tiêu xét điểm thi. Trong đợt thi thứ 2, nếu các em có nguyện vọng vẫn có thể đăng ký tham gia thi để ứng tuyển. Trong trường hợp xấu nhất, các em vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển khác mà các trường đang áp dụng như xét học bạ, các chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ quốc tế...

Để các em yên tâm chờ đến ngày thi trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, chúng tôi đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn các trường thực hiện xét chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đã dự kiến để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi như đã thực hiện năm 2020. Việc xét tuyển 2 đợt thi chung một lần đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, công bằng cho các trường, cho cả hệ thống.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)

Số chỉ tiêu theo phương thức khác chiếm tới 45% tổng chỉ tiêu vào các trường nên các em có thể tham gia. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh dự thi các đợt thi tốt nghiệp THPT khác nhau, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức, thời gian và chỉ tiêu tuyển sinh để thí sinh thi đợt 2 vẫn được dự tuyển theo đúng nguyện vọng đã đăng ký.

Với những thí sinh thi đợt 2, bà Thủy nhấn mạnh: “Để các em yên tâm chờ đến ngày thi trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, chúng tôi đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành công văn hướng dẫn các trường thực hiện xét chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đã dự kiến để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi như đã thực hiện năm 2020. Việc xét tuyển 2 đợt thi chung một lần đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, công bằng cho các trường, cho cả hệ thống”.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, trường đã tính toán và sẽ dành riêng một số lượng chỉ tiêu phù hợp cho những thí sinh thuộc vùng dịch phải thi trong đợt 2. “Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thí sinh cũng phải thi đợt 2 và vẫn được đảm bảo quyền lợi như đợt 1. Các thí sinh chưa thể thi tốt nghiệp trong đợt 1 hoàn toàn có thể yên tâm về quyền lợi và cơ hội khi xét tuyển đại học” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết.

Thanh tra chặt chẽ khâu chấm thi tại 63 địa phương

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngay sau khi kết thúc đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương được yêu cầu thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm, đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24h. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.

Đặc biệt, TP.HCM là địa phương có số thí sinh dự thi đông thứ 2 cả nước thì việc chấm thi đang được quan tâm hết sức. Trước tình hình toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, việc chấm thi của thành phố vẫn sẽ bắt đầu từ ngày 9-7 và dự kiến kết thúc vào ngày 24-7. Sở GD-ĐT TP.HCM đã điều động khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, ấn phẩm ấn chỉ… đã thực hiện đầy đủ. Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp triển khai xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lãnh đạo, nhân sự tham gia chấm thi; yêu cầu thực hiện 5K; trang bị kính chắn giọt bắn khi thực hiện nhiệm vụ, triển khai phương án vào ra theo cổng, giãn cách theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu địa phương cần tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

Các thí sinh sẽ được triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT bảo đảm đúng quy chế, trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Với hơn 23.500 thí sinh chưa được dự thi đợt 1, các địa phương sẽ chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và các giải pháp kỹ thuật để tổ chức thi đợt 2 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi, phúc khảo của kỳ thi. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc 2 đợt thi của kỳ thi như: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.

Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tính toán và sẽ dành riêng một số lượng chỉ tiêu phù hợp cho những thí sinh thuộc vùng dịch phải thi trong đợt 2. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thí sinh cũng phải thi đợt 2 và vẫn được đảm bảo quyền lợi như đợt 1. Các thí sinh chưa thể thi tốt nghiệp trong đợt 1 hoàn toàn có thể yên tâm về quyền lợi và cơ hội khi xét tuyển đại học.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội