Quyền “khóa room ngoại” của doanh nghiệp: Giữ hay bỏ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa đề xuất không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như quy định hiện hành. Đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi.

Ngân hàng muốn được quyền “khóa room”

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật chứng khoán 2019, có hiệu lực từ năm 2021 đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, trừ một số ngành nghề mà các điều ước quốc tế, pháp luật có quy định khác.

So với quy định hiện hành tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, nội dung này bỏ mất cụm từ "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác". Điều này có nghĩa, dự thảo Nghị định mới sẽ không cho phép công ty đại chúng có quyền quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài (không được vượt quá tỉ lệ tối đa được quy định tại điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành) như quy định hiện hành. Đây chính là điểm gây băn khoăn cho nhiều daonh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều ngân hàng đã chủ động “khóa room ngoại” dưới mức trần mà Luật Các tổ chức tín dụng quy định (30%). Có thể kể đến HDBank vừa công bố nghị quyết về việc điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ 30% xuống 21,5%, nhằm để dành cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới. Hay Techcombank cũng quy định room cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ ở mức 22,5% vốn điều lệ, thấp hơn 7,5% so với mức quy định…

Sở dĩ các ngân hàng quyết định “khóa” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới mức trần nhằm giữ lại để bán cho đối tác chiến lược. Theo nhiều ngân hàng, việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ chỉ lướt sóng chứ không hề đóng góp gì về công nghệ, quản trị, chiến lược phát triển của ngân hàng. Do đó, nếu ngân hàng được phép giữ lại “room” này để bán cho đối tác chiến lược thì sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức tài chính quốc tế lớn tham gia đầu tư dài hạn, sẽ giúp ngân hàng minh bạch hơn trong quản trị điều hành, phát triển hơn về mặt công nghệ, khách hàng, sản phẩm...

Nhiều doanh nghiệp, nhất là ngân hàng muốn giữ lại quyền tự quyết về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp, nhất là ngân hàng muốn giữ lại quyền tự quyết về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Trong văn bản góp ý Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần bổ sung thêm quy định “thực hiện theo Điều lệ của công ty (tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Điều lệ công ty trong phạm vi giới hạn tối đa pháp luật quy định)…”.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay các quy định của pháp luật chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt quá một tỷ lệ nhất định chứ không quy định tỷ lệ này là cố định, theo đó các công ty có quyền quyết định một tỷ lệ khác nằm trong tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài do pháp luật quy định cho từng ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, việc Điều lệ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng là cơ sở để công ty cân nhắc được việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược phát triển của công ty

Đảm bảo tuân thủ các quy ước quốc tế

Theo đơn vị soạn thảo là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lý do dự thảo Nghị định không cho phép công ty đại chúng được quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp là nhằm phù hợp với quy định về sở hữu nước ngoài tại các điều ước quốc tế và pháp luật chuyên ngành cùng với chủ trương thu hút dòng vốn nước ngoài của Chính phủ.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Bằng (nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, hiện nay nước ta đã gia nhập WTO cũng như kí kết nhiều hiệp ước với nước ngoài, vì vậy trong những văn bản pháp luật trước đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài luôn tôn trọng các điều ước quốc tế và pháp luật chuyên ngành.

Trong đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng đã được mở đến 100%. Riêng đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%; còn các ngân hàng là 30%.

Ngoài ra, trong quy định hiện này, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thêm quy định giao cho Đại hội đồng cổ đông quyết định. Tuy nhiên, thực tế đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng không phải khống chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn thông báo tỉ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức quy định, thậm chí về 0. Điều này đã làm cho môi trường tuân thủ cam kết quốc tế của nước ta bị ảnh hưởng, cản trở tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam ...

Chính vì vậy, theo ông Vũ Bằng, dự thảo Nghị định mới "thu hẹp" quyền của Đại hội đồng cổ đông trong việc quyết định room ngoại là hợp lý. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định có thể bổ sung quy định: trong trường hợp doanh nghiệp muốn tạm "khóa" room để đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài thì có thể gửi đến cơ quan quản lý văn bản ý kiến của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông về việc tạm khóa room trong thời gian nhất định.

"Với một doanh nghiệp đối tác chiến lược thường là mua vào dài hạn và có giá cao, việc cơ quan quản lý tạo điều kiện về room sẽ góp phần mang lại giá trị lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên hết vẫn phải đảm bảo đúng luật và thông lệ quốc tế", ông Vũ Bằng nêu quan điểm.