65 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10-12-1948/10-12-2013):

Quyền con người - giá trị cao đẹp nhất

ANTĐ - Với 2 sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) chính thức được thông qua và việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quyền con người - giá trị cao đẹp nhất ảnh 1
Quyền con người được coi trọng và quy định rõ ràng trong Hiến pháp


Con người là chủ thể quan trọng

Trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế, như “Công ước Geneva về bảo vệ thường dân trong chiến tranh”, “Công ước Geneva về đối xử với tù nhân trong chiến tranh”, “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”… Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đồng thời đã luật hóa những công ước đó trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều 50, Hiến pháp 1992 đã trân trọng ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Ngày 28-11, Quốc hội Khóa XIII kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), trong đó quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (chương II) thể hiện quyền con người đã ngày càng được coi trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc Công ty Luật S&B, những quy định này thể hiện nhận thức mới và sâu sắc trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà nhà nước ta là thành viên.

Tham gia vào ngôi nhà chung 

Việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) với số phiếu rất cao là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên LHQ dành cho Việt Nam, có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Luật sư Nguyễn Thị Thu- Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, với vai trò là một quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, và đảm bảo các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam. 

“Nhân quyền” là một khái niệm vừa có những nét chung, vừa có những nét riêng, chịu ảnh hưởng từ lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị của từng dân tộc. Tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có những đóng góp, xây dựng trên tinh thần đối thoại, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cơ hội tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách công bằng, tổng thể và toàn diện, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động về những vấn đề liên quan đến quyền con người, có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng thế giới.