Quyền Bộ trưởng Y tế nói gì về xã hội hóa y tế và bệnh viện lớn xin dừng tự chủ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, xã hội hóa trong y tế rất cần thiết song dù tự chủ, xã hội hóa thì vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp

Sáng nay, 21-9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật này tại phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, hiện một số vấn đề lớn trong dự luật này vẫn còn ý kiến khác nhau. Cụ thể là các quy định liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Trong đó, một trong những vấn đề nhận được quan tâm là xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhà nước.

Với nội dung này, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng đó khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.

Tuy vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như trên vẫn còn chưa hợp lý. Theo Ủy ban xã hội, cần phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, xã hội hóa, tài chính y tế là những nội dung mới nhận được nhiều sự quan tâm. Các nội dung này chưa quy định trong các luật khác nên nếu được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, xã hội hóa trong y tế rất cần thiết vì nguồn lực Nhà nước dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Và dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.

Nói thêm về tự chủ bệnh viện, bà Lan khẳng định, đây là chủ trương đúng và đã được triển khai thời gian qua, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện.

Trước vấn đề tại sao thời gian qua có ý kiến của các đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, vì Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi có các quy định pháp luật về tự chủ.

Bà Lan cũng nhấn mạnh, thời điểm này, chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ cho nên vấn đề các bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ để chuyển sang thực hiện theo pháp luật và đã được Chính phủ cho phép là hoàn toàn phù hợp với quy định.