Qúy I-2015, hơn 18.000 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động

ANTĐ -Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi khai mạc phiên họp thứ 38 diễn ra sáng nay 11-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, những tháng đầu năm và dự kiến cả năm nay, tăng trưởng kinh tế vẫn hết sức khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo trước Thường vụ Quốc hội sáng 11-5
Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày nêu rõ, tình hình chung kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, như xuất khẩu giảm nhiều, nhập khẩu tăng cao. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đáng chú ý, trong quý 1-2015 cả nước có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có đến 2.565 doanh nghiệp giải thể và 16.175 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động đa số có quy mô nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điểm đáng lo ngại nữa là 2 tháng gần đây thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, không chỉ dưa hấu hay hành tím mà nhiều mặt hàng nông nghiệp khác cũng đều không tiêu thụ được sản phẩm, bị cạnh tranh gay gắt.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, nếu không có giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ các khó khăn hiện tại, thì nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ có rất nhiều thách thức, tăng trưởng cả năm khó có thể đạt cao, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% cũng không phải đơn giản.

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá cao những kết quả đạt được của nền kinh tế xã hội đất nước những tháng đầu năm nay, dù bối cảnh chung hết sức khó khăn. Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, quý 1-2015 là quý đầu tiên sau rất nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, mức tăng CPI ổn định, thị trường bất động sản, chứng khoán cũng có tín hiệu ấm lên.
Qúy I-2015, hơn 18.000 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động ảnh 2Những tháng đầu năm 2015, nhiều nông sản được mùa mất giá, tiêu thụ khó khăn

Tuy nhiên, đại biểu Phan Trung Lý cho rằng cần phân tích nguyên nhân rõ hơn, thuyết phục hơn để thấy tại sao trong điều kiện kinh tế gặp muôn vàn khó khăn như vậy, mà chúng ta vẫn đạt được những kết quả tích cực kể trên. Nếu không đại biểu Quốc hội và nhân dân sẽ đặt vấn đề nghi ngờ về con số thống kê.

Đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2015 nên bổ sung đánh giá đời sống của một  bộ phận nông dân rất khó khăn. Diễn biến 1 số mặt hàng nông sản không đi vào thị trường, giá cả thấp.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng vấn đề việc làm cho lao động nông thôn đang rất căng thẳng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (nghèo đa diện) sẽ tăng thêm, khoảng cách thu nhập bình quân giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cần giải quyết, để tránh dẫn đến việc xảy ra các mâu thuẫn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.