Quy hoạch sân bay: Không nên đề xuất ồ ạt theo địa phương hoặc ý chí lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng loạt địa phương dù không có lợi thế về phát triển du lịch, thương mại, trong vùng cũng đã có Cảng hàng không nhưng vẫn đề xuất Bộ GTVT bổ sung sân bay địa phương.

Đề xuất không bổ sung sân bay so với quy hoạch hiện nay

Tại báo cáo cuối kỳ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tư vấn (ADPi- Pháp, TEDI và Viện Chiến lược phát triển GTVT) đề nghị không bổ sung cảng hàng không (CHK) mới so với hệ thống mạng CHK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018.

Theo nghiên cứu và so sánh của Tư vấn, giai đoạn đến năm 2030, với hệ thống 28 CHK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì gần 96% dân số Việt Nam có thể tiếp cận được CHK trong phạm vi 100km(cao hơn so với trung bình thế giới là 75%); giai đoạn đến năm 2050, tư vấn đề xuất bổ sung CHK Cao Bằng.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo cuối kỳ, hiện nay Bộ GTVT đang lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về Quy hoạch; đồng thời, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ GTVT xem xét, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch quyết định.

CHK Nà Sản theo báo cáo cuối kỳ Quy hoạch CHK, sân bay thì sẽ đầu tư sau năm 2030

CHK Nà Sản theo báo cáo cuối kỳ Quy hoạch CHK, sân bay thì sẽ đầu tư sau năm 2030

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 tiêu chí chính (trong đó có 22 tiêu chí chi tiết) để xem xét, như: Nhu cầu sản lượng; GDP của địa phương; mục đích tạo việc làm, thúc đẩy du lịch, an ninh quốc phòng; điều kiện tự nhiên như vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai và cự ly bố trí tới đô thị trung tâm, sân bay lân cận...

Theo ông Tuấn, hiện cả nước đang có 22 sân bay. Theo tính toán của tư vấn, giai đoạn 2020-2030, vận tải hành khách hàng không dự kiến tăng trưởng 7,5-8%, vận tải hàng hóa đạt 8,4-9,7%, do đó, cơ quan tư vấn đề nghị quy hoạch 26 sân bay (đến năm 2030), trong đó 13 CHK quốc tế, giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện nay là sân bay Nà Sản (Sơn La) và sân bay Lai Châu. Quỹ đất giai đoạn này khoảng 19.930 ha. Ước tính chí phí đầu tư giai đoạn này khoảng 365.000 tỷ đồng.

Đến năm 2050, tư vấn đề xuất Việt Nam có 30 sân bay, bổ sung thêm 4 sân bay là Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và sân bay thứ hai của vùng Thủ đô. Trong đó, 15 CHK quốc tế, quỹ đất đến giai đoạn này cần khoảng hơn 24.000ha. Ước tính chi phí đầu tư giai đoạn này khoảng 866.000 tỷ đồng.

Tại báo cáo cuối kỳ này, Tư vấn cũng đưa ra một số giải pháp để huy động vốn, phân bổ đầu tư, trong đó giải pháp ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước, ODA góp đối ứng vào các dự án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không trọng điểm, liên quan đến an ninh, quốc phòng được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi về thuế, đất đai đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không; sử dụng nguồn vốn huy đọng của địa phương nơi có CHK mới là một hình thức huy động vốn rất hiệu quả với tình thần địa phương và ngành hàng không cùng đầu tư phát triển.

Tính toán kỹ, không ồ ạt

Đánh giá về báo cáo cuối kỳ quy hoạch mạng lưới CHK, sân bay, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều.

Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế xã hội, du lịch địa phương là chính đáng. Tuy nhiên, việc xây mới cần tính toán dựa trên nhiều tiêu chí và phù hợp với tổng thể mạng lưới cảng hàng không toàn quốc.

Theo ông Châu, đề án quy hoạch sân bay đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt năm 1997, thực hiện trong 5 năm, có sự tham gia 67 nhà khoa học trong nước và 37 cơ quan nghiên cứu liên quan đến cảng hàng không, sân bay.

Khi đó, quy hoạch này được tính toán trên căn cứ GDP của cả nước và từng địa phương, nhu cầu đi lại, du lịch, xuất nhập khẩu, tăng trưởng của sản xuất với 27 tiêu chí. Đơn vị nghiên cứu cho điểm từng sân bay, rồi mới quyết định tỉnh, thành nào cần lập quy hoạch. Ông Châu đề nghị phải xem xét các yếu tố tương tự khi lập quy hoạch sân bay hiện nay.

"Nếu làm quy hoạch sai thì gây lãng phí vô cùng, do vậy cần xem xét kỹ chứ không chỉ dựa trên ý kiến các địa phương hay ý chí của lãnh đạo", ông Châu nói.

TS Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia hàng không cũng cho rằng, phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ... Do đó, hiệu quả đầu tư sân bay cần tính toán kỹ, căn cứ vào nhiều yếu tố và tiêu chí.

Trong số 22 CHK hiện nay cũng mới chỉ có một nửa số sân bay có công suất từ 1 triệu hành khách/năm trở lên. Đây đạt mức trung bình so với thế giới, trong đó một số CHK hiện quá tải nhưng chưa được đầu tư mới như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Cùng đó, một số CHK dù là lợi thế sân bay vùng như Cần Thơ nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả. Sân bay Cần Thơ hiện được đầu tư công suất 3 triệu hành khách/năm nhưng mới khai thác đạt 1,3 triệu. Hơn nữa, ông Tùng cho rằng, để có con số này thì tỉnh Cần Thơ cũng đã nỗ lực rất nhiều, tạo nhiều chính sách cho các hãng hàng không.