Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000: Xây mới 6 cầu, chỉ rõ nơi nào được phép xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 với nhiều nội dung quan trọng người dân đang rất quan tâm như: xây dựng 6 cầu mới qua sông Hồng, mở rộng diện tích đất được phép xây dựng...
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 sẽ có 6 cầu mới qua sông Hồng, mở rộng diện tích được xây dựng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 sẽ có 6 cầu mới qua sông Hồng, mở rộng diện tích được xây dựng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

3 phân đoạn chính

Phân khu quy hoạch có diện tích khoảng gần 11.000 ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá...

Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).

Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.

Quy hoạch cũng nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Phân đoạn quản lý phát triển gồm 3 phân đoạn chính: Từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long (đoạn R1-R2): Là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô được dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp (trồng rau. hoa màu, cây cảnh...) của các huyện Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm.

Khu vực này được định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm).

Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4): Là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với phía Bắc gồm các khu vực làng xóm đô thị hóa thuộc huyện Đông Anh, quận Long Biên và khu vực đất bãi được nghiên cứu xây dựng; phía Nam thuộc các quận nội đô như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Hai Bà Trưng, Hoàng Mai gồm đất ở đô thị với mật độ rất cao, đất bãi và khu vực bãi giữa.

Khu vực này được định hướng là khu vực đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực Hồ Tây - Cổ Loa.

Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở (đoạn R5): Là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu. cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyên thống và các công trình di tích lịch sử, khu vực này được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.

Quỹ đất đai xây dựng ở 6 bãi sông được mở dộng 5% diện tích

Quỹ đất đai xây dựng ở 6 bãi sông được mở dộng 5% diện tích

Quỹ đất xây dựng ở 6 bãi sông

Quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng theo 6 bãi sông cụ thể.

Bãi Tàm Xá - Xuân Canh: Khu vực dân cư tập trung: 34,06ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2ha.

Bãi Thượng Cát - Liên Mạc: Khu vực dân cư tập trung: 36,46ha (Khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có).Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 3,45 ha.

Bãi Hoàng Mai - Thanh Trì: Khu vực dân cư tập trung: 425,04ha (Khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 53,15ha.

Bãi Chu Phan - Tráng Việt: Khu vực dân cư tập trung: 220ha (Khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 12.7ha.

Bãi Đông Dư - Bát Tràng: Khu vực dân cư tập trung: 103,96ha (Khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 3,15 ha.

Bãi Kim Lan - Văn Đức: Khu vực dân cư tập trung: 72ha (Khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 18,95 ha.

Lô đất nào được phép xây dựng?

Các lô đất chức năng được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng, bao gồm các loại đất: công cộng đô thị; cây xanh và thể dục thể thao đô thị; trường trung học phổ thông; công cộng đơn vị ở; trường tiểu học, trung học cơ sở; trường mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo); cây xanh và thể dục thể thao...

Nhóm nhà ở xây dựng mới; nhóm nhà ở hiện có (cải tạo chỉnh trang hoặc tái thiết); bãi đỗ xe; dịch vụ - làng nghề; cơ quan; di tích, tôn giáo; an ninh - quốc phòng; đầu mối hạ tầng kỹ thuật... trong đó: đất công cộng đô thị bao gồm các chức năng chính: Trụ sở hành chính, văn hóa, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng...Vị trí, quy mô và các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được xác định cụ thể ở quy hoạch tỷ lệ lớn hơn.

Đất công cộng đơn vị ở bao gồm các chức năng chính: Trụ sở hành chính, văn hóa, y tế, thương mại, dịch vụ,...Vị trí, quy mô và các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được xác định cụ thể ở quy hoạch tỷ lệ lớn hơn.

Đất nhóm nhà ở hiện có được cải tạo chỉnh trang và các khu vực giáp ranh với đất ở hiện có được thực hiện theo quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.

Trong đó, bảo tồn và cải tạo các hồ, ao có vai trò tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường; quỹ đất trống (đất công) có kế hoạch sử dụng ưu tiên bố trí theo thứ tự: sân chơi, vườn hoa. công trình sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe, trạm điện, điểm tập kết rác...phục vụ cộng đồng dân cư khu vực, tổ chức không gian chuyển tiếp giữa khu mới và khu cũ, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững của khu vực dân cư.

Các khu vực đất nhóm nhà ở hiện có xuống cấp, phần đất ở còn lại sau khi mở đường theo quy hoạch và một số các khu vực đất ở hiện có trong khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng) khi tiến hành cải tạo có thể đề xuất theo hướng cải tạo xây dựng mới, tái thiết đô thị để xây dựng các công trình hoặc cụm công trình theo hướng giảm mật độ xây dựng, dành không gian trống cho sân, vườn, giao thông nội bộ,...cải thiện không gian sống cho người dân trong khu vực.

Đất nhóm nhà ở xây dựng mới: Nghiên cứu bố trí tại khu vực bãi sông phù hợp (được phép xây dựng và dược nghiên cứu xây dựng) theo hướng thuận dòng chảy và địa chất thủy văn của sông, mật độ xây dựng thấp, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối hài hòa, khai thác các chất liệu kiến trúc truyền thống và bền vững, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, đồng bộ về hạ tầng.

Quỹ đất này dành ưu tiên cho tái định cư phục vụ nhu cầu di dân giải phóng mặt bằng khu vực dân cư hai bên sông và góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô lịch sử. Công trình thiết kế chịu lũ với tầng 1 theo hướng để trống hoặc sử dụng đỗ xe, sinh hoạt công cộng,...để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại khi có lũ, tuân thủ Luật Đê điều, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành.

Xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng

Về giao thông trong khu vực quy hoạch, đối với đường bộ, sẽ xây dựng mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Cụ thể, trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang với tối thiểu 4 làn cơ giới và 2 - 4 làn hỗn hợp. Trục bờ tả Hồng từ Cầu Thượng Cát - đê Tả Hồng - cầu Vĩnh Tuy - cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt rộng 40 - 60m (6 - 10 làn xe).

Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô (đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái) cấp hạng là đường liên khu vực quy mô 4 - 10 làn xe. Các tuyến đường chính đô thị, liên khu vực khác có bề rộng quy mô 40 - 50m (6 - 8 làn xe).

Các tuyến đường chính khu vực xây dựng trên cơ sở nâng cấp các đoạn tuyến đê hiện có như đê tả Hồng, đê hữu Hồng đoạn Liên Mạc - Thượng Cát, đoạn phía nam cầu Thanh Trì được xác định có quy mô 4 - 6 làn xe (bao gồm cả đường gom chân đê).

Các tuyến đường chính khu vực, đường khu vực xây dựng mới có quy mô bề rộng mặt cắt ngang 17 - 30m, 2 - 4 làn xe. Một số đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư hiện có và đoạn đi giáp mép sông có thể nghiên cứu thu hẹp cục bộ hè (nhưng vẫn đảm bảo đủ số làn xe trên tuyến) để hạn chế giải phóng mặt bằng.

Tại các khu vực xây dựng mới, các tuyến đường phân khu vực có mặt cắt ngang quy mô 2 làn xe. Một số đoạn tuyến qua khu vực dân cư làng xóm hiện có, có thể nghiên cứu giảm cục bộ vỉa hè để giảm bớt khối lượng giải phóng mặt bằng.

Quy hoạch cũng nêu rõ sẽ xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn cơ giới 2 làn hỗn hợp); Cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn cơ giới 2 làn hỗn hợp); Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn cơ giới 2 làn hỗn hợp).

Ngoài ra, xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long và cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng. Tại các cầu cho phép bố trí kết hợp hệ thống hạ tầng đường dây, đường ống hạ tầng kỹ thuật qua sông theo quy hoạch.

Tổ chức các khu nhà ở hiện đại, hạn chế tối đa cao tầng

Về việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch nêu rõ cần nghiên cứu các thiết chế văn hóa ở các trục không gian văn hóa kết nối giữa các địa phương: Hệ thống trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa: tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô; công trình văn hóa cấp thành phố, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, công viên vui chơi giải trí, quảng trường lớn kết hợp tượng đài, công viên chuyên đề, các dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch; không gian sinh hoạt văn hóa được xây dựng mới kết hợp với tổ hợp công trình công cộng đa chức năng và không gian cây xanh công viên,...

Khuyến khích các mô hình quy hoạch, kiến trúc công trình đẹp, hiện dại, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu lũ. Khai thác hiệu quả cảnh quan khu vực làng nghề truyền thống phục vụ kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái dọc sông Hồng.

Các công trình tôn giáo tín ngưỡng, di tích lịch sử như đình, chùa, nhà thờ,... dược bảo tồn, tôn tạo và quản lý theo quy định. Hình thức kiến trúc, chiều cao, khoảng cách công trình xung quanh di tích không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích.

Tổ chức các khu nhà ở hiện đại chất lượng cao đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, theo hướng mật độ xây dựng thấp, cao tầng ở các khu vực: phía Bắc sông Hồng đoạn R3-R4, thấp dần về hai bên; phía Nam sông Hồng đoạn R3-R4, hạn chế tối đa bố trí công trình cao tầng, quản lý đặc biệt tại trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa...