Quy định "vênh" nhau, vẫn khó cho người chuyển giới

ANTD.VN - Năm 2014, tôi quyết định sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được sống thật với con người mình, dù bị người nhà phản đối kịch liệt. Kết quả sau đó được như tôi mong muốn. 

Vì bố mẹ tuyên bố sẽ từ mặt nếu tôi làm chuyện này, nên tôi đã bỏ ra ngoài thuê nhà sống riêng. Gần đây vì có việc liên quan đến hồ sơ, nên tôi phải về phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục, chuyển đổi các loại giấy tờ tùy thân. Nhân viên hành chính ở UBND phường cũng biết bố mẹ tôi, nên kể cho họ. Mẹ tôi đã lập tức tác động để chị này gây khó dễ, không cho tôi sửa giấy khai sinh. Đến giờ đã đi lại cả chục lần mà tôi vẫn không làm được. Xin hỏi việc gây khó dễ đó có phạm luật không? Tôi phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình? 

Ngô Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Quy định "vênh" nhau, vẫn khó cho người chuyển giới ảnh 1Lựa chọn giới tính là quyền tự do của mỗi người, song sự thiếu thống nhất trong các quy định hiện hành gây khó khăn không nhỏ cho cộng đồng chuyển giới

Theo Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) thì ngoài việc cá nhân có quyền xác định lại giới tính còn có quyền chuyển đổi giới tính. Cụ thể: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Như vậy theo quy định của BLDS, ngoài việc bạn có quyền thì còn có nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch cũng như có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã chuyển đổi. 

Quy định "vênh" nhau, vẫn khó cho người chuyển giới ảnh 2Luật sư Đặng Văn Sơn - Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự
Địa chỉ: số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Tuy nhiên, Luật Hộ tịch năm 2014 lại nêu rõ: “Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, trong đó có nội dung tại điểm c là “xác định lại giới tính”. Thế nhưng quy định này chưa thể khẳng định được việc “chuyển đổi giới tính” có phải được công nhận theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không bởi Luật Hộ tịch ban hành và có hiệu lực trước Bộ luật Dân sự 2015. Điều này thể hiện sự thiếu thống nhất trong các quy định hiện hành.

Về việc nhân viên hành chính UBND phường không cho bạn sửa giấy khai sinh, thậm chí gây khó dễ, khiến bạn phải đi lại nhiều lần nhưng lại không đưa ra được lý do chính đáng thì nhân viên hành chính đó đã vi phạm Luật Cán bộ công chức 2008. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần gặp trực tiếp lãnh đạo UBND phường để phản ánh và đề nghị được giải quyết hoặc bạn cũng có thể khiếu nại hành vi hành chính của nhân viên hành chính đó đến chủ tịch UBND phường sở tại, theo Luật Khiếu nại.

Chi tiết “theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” trong Luật Hộ tịch năm 2014 khiến người chuyển giới, dù được Bộ luật Dân sự bảo vệ, vẫn khó thay đổi giấy tờ.