Quy định rõ xử lý khiếu nại đông người

ANTĐ - Trong phiên làm việc chiều nay (24-10), các ĐBQH đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khiếu nại.

Các ĐBQH đều bày tỏ đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết phải có Luật Khiếu nại và mong muốn Luật sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật này cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.

Theo Đại biểu Nguyễn Đức Chung (TP Hà Nội), Luật không áp dụng xử lý với các đơn vị công lập. Luật cần quy định xử lý khiếu nại đông người theo hướng có người đại diện chung, nếu cùng nội dung; còn nội dung khác nhau thì làm đơn riêng và xử lý chung theo luật. Không đưa việc khiếu nại với quyết định xử phạt của cán bộ, công chức vào luật.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, Luật này chỉ nên điều chỉnh khiếu nại với cơ quan và cá nhân có thẩm quyền trong quản lý hành chính, còn các đơn vị khác chỉ có quyết định mang tính nội bộ và hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp. Nếu khiếu nại hợp đồng lao động thì đã có các hợp đồng và ở cơ quan nào thì tùy mức độ xử lý theo quy định của cơ quan đó.

Theo ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre), dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần xem xét chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi. Luật cũng cần bổ sung quy định cấm lợi dụng khiếu nại để gây rối trật tự công cộng. Nếu khiếu nại đông người thì từng người phải có yêu cầu và người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết từng trường hợp.

Về vấn đề quy định tiếp công dân, theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), thời hạn giải quyết khiếu nại nên cân nhắc mức hạ từ 45 ngày xuống 15 ngày là nhiều. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) kiến nghị cần có bộ phận tiếp công dân và nhất trí đưa phần này vào Luật Khiếu nại.