Quy định pháp luật về thủ tục đăng ký người bào chữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Người nhà tôi vừa bị khởi tố, bắt giam do liên quan đến ma túy. Nay tôi muốn nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho người nhà tôi có được không? Thủ tục cụ thể sẽ thế nào? Nguyễn Văn Tung (Hưng Yên)
Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự (Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Quyền bào chữa của người bị buộc tội (hay nghi can) là vấn đề rất quan trọng, nhưng nhiều người lại không quan tâm mặc dù nó gắn liền với quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp quy định. Cụ thể hơn, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định chi tiết, chặt chẽ về trình tự, thủ tục, quyền của người bào chữa. Theo đó, Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Điều 4, Bộ luật này cũng xác định, người bị buộc tội là những người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Đối với người bào chữa, pháp luật về tố tụng hình sự quy định đó luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng thì theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ”. Đây là quy định mới cho phép người bào chữa được tham gia tố tụng sớm hơn, đồng thời cụ thể hóa Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định trong trường hợp bắt người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ).

Về việc lựa chọn người bào chữa, Điều 75, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn”. Khi người bị bắt tạm giam có yêu cầu người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn yêu cầu người bào chữa cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Nếu yêu cầu bào chữa của người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu bào chữa cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa. Tương tự, trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát hoặc Tòa án đang có trách nhiệm giải quyết phải thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết về việc người đại diện hoặc người thân thích của họ nhờ người bào chữa để có ý kiến đồng ý hay không đồng ý về việc nhờ người bào chữa.

Về thủ tục đăng ký người bào chữa, Điều 78 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 24h kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và nếu không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng...”.

Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu người nhà bạn bị bắt giữ do liên quan đến ma túy mà có mức định khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì cơ quan tố tụng sẽ chỉ định luật sư bào chữa nếu gia đình bạn không có khả năng mời luật sư. Trường hợp cơ quan tố tụng chỉ định luật sư thì người bị bắt, bị buộc tội hoặc người thân vẫn có quyền mời luật sư khác bào chữa. Thủ tục mời luật sư thì bạn đến tổ chức hành nghề luật sư lập giấy/đơn mời luật sư và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư. Sau đó, tổ chức hành nghề luật sư sẽ cử luật sư và hoàn thiện thủ tục bào chữa theo quy định.