Quy định nhà thuê phải đạt 5m2/người là đúng đắn

ANTĐ - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi cho rằng: Việc quy định, để đủ điều kiện đăng ký thường trú vào Hà Nội, công dân thuê nhà trong nội thành Hà Nội ít nhất phải đạt diện tích 5m2/người (ngoài một số điều kiện cần khác: có việc làm ổn định tại cơ quan hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; hoặc tạm trú liên tục một chỗ, đủ 3 năm trở lên) là đúng đắn.

Quy định diện tích nhà thuê tối thiểu nhằm nâng cao điều kiện sống tại Thủ đô

- Dự thảo Luật Thủ đô quy định điều kiện công dân được đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội và đưa ra hai phương án. Phương án 1 là trường hợp công dân đi thuê nhà cần tạm trú liên tục tại một chỗ, 3 năm trở lên thì đủ điều kiện đăng ký; phương án 2, ngoài yêu cầu như phương án 1, còn có thêm khoản “thuê nhà phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người”. Cá nhân ông, ủng hộ phương án nào?

- Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Tôi ủng hộ phương án 2 vì rõ ràng điều kiện sinh sống tại Thủ đô cần phải cao hơn, đáp ứng yêu cầu văn minh đô thị và xứng tầm cấp Thủ đô- bộ mặt của cả nước. Yêu cầu về diện tích trung bình/người cũng là chế tài, hạn chế việc lách luật có thể xảy ra, đó là điều cần thiết. Cũng cần nói thêm, hiện nay ngoài Thủ đô Hà Nội còn có một số thành phố lớn khác (đặc biệt các thành phố trực thuộc Trung ương) cũng đang có mong muốn được quy định chặt chẽ hơn trong việc nhập cư.

- Quy định mới về nhập cư trong dự thảo Luật Thủ đô có sự tương tác ra sao với Luật Cư trú, thưa ông?

- Không có gì xung đột. Hiến pháp quy định quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của pháp luật. Luật Thủ đô ra đời, chính là thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Đã là luật, thì luôn cần sửa đổi, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Luật Cư trú ra đời trước, Luật Thủ đô ra đời sau sửa đổi, bổ sung cho nhau, vẫn hoàn toàn có tính thống nhất trong cả hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Quan điểm của ông ra sao về đề xuất cần một cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô?

- Thủ đô không chỉ phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của riêng mình, mà còn thực hiện những nhiệm vụ đảm bảo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để vận hành cả trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, do đó đương nhiên Nhà nước cần đầu tư ngân sách tốt hơn cho Thủ đô. Không chỉ thế, theo tôi, để tạo cho việc ưu tiên đó nhanh chóng đi vào thực tế, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù (mà hiện chúng ta đang xem xét), đó là cho Thủ đô được giữ lại để sử dụng nguồn thu vượt kế hoạch. 

- Ông có tán thành việc Hà Nội sẽ thu phí cao hơn các địa phương khác, trong một số lĩnh vực?

- Tôi tán thành các biện pháp quản lý chặt chẽ, các yêu cầu về điều kiện cao hơn như trong Dự thảo luật đề xuất. Lý do, như đã nói: Thủ đô với tư cách là bộ mặt của cả nước, thì cũng cần có các định mức cao hơn, tốt hơn về văn minh và quản lý đô thị, xứng tầm với vị thế của mình. Thực ra, Luật xử lý vi phạm hành chính đã nâng mức phạt lên cao hơn, qua đó thể hiện sự nghiêm khắc và trên thực tế đã đạt hiệu quả tốt hơn. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, cũng đã có những quy định được phạt ở mức gấp đôi so với các địa phương khác trong 3 lĩnh vực; hiện nay Hà Nội xin nâng mức xử phạt trong một số lĩnh vực bổ sung nữa là: văn hóa, đất đai… điều này cũng là hoàn toàn hợp lý. Đây là những lĩnh vực mà thực trạng cho thấy, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hơn. 

Tin cùng chuyên mục