Quy định mới nhất về quy trình, thủ tục pháp lý khi mua bán, chuyển nhượng nhà, đất

ANTD.VN -Thời gian qua, trong quá trình mua bán, chuyển nhượng nhà đất, không ít cá nhân do nhẹ dạ, cả tin, không tìm hiểu kỹ đã bị lừa một khoản tiền không nhỏ, thậm chí mất trắng số tiền đặt cọc. Theo các luật sư, để hạn chế tình trạng này, điều quan trọng là trước khi thực hiện các giao dịch mua bán nhà, mỗi người cần tìm hiểu kỹ về "món hàng" mình định mua cũng như các quy trình, thủ tục pháp lý liên quan...

Mua bán, chuyển nhượng nhà đất có "sổ đỏ", "sổ hồng"

Về các bước thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà đất có "sổ đỏ, sổ hồng", theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, khi hai bên đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành đặt cọc. Quá trình đặt cọc mua nhà có thể thực hiện ở phòng công chứng hoặc có người thứ 3 (thường không có quan hệ với cả hai bên mua và bán) đứng ra làm chứng.

Trong Hợp đồng đặt cọc ghi rõ thông tin người bán (họ tên,ngày/tháng/năm sinh, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận độc thân hoặc kết hôn có giấy đăng ký kết hôn). Nếu tài sản bán có người đồng sở hữu thì cung cấp thông tin người đồng sở hữu. Ngoài ra, bên bán cần chuẩn bị "sổ đỏ" và giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận tình trạng bất động sản hay trích lục…

Hợp đồng đặt cọc cũng ghi rõ thông tin người mua, số tiền đặt cọc, thời gian ký hợp đồng mua bán và hình thức thanh toán, thỏa thuận bên chịu thuế…

Quy trình, thủ tục pháp lý về mua bán, chuyển nhượng nhà đất khá chặt chẽ (ảnh minh họa)

Sau thủ tục đặt cọc, hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng theo thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc. Khi đã hoàn thành việc mua bán, chuyển nhượng tại văn phòng công chứng, bên mua thanh toán toàn bộ số tiền còn lại cho bên bán. Lúc này bên bán sẽ bàn giao toàn bộ giấy tờ pháp lý có liên quan tới nhà đất cho bên mua.

Về việc “sang tên sổ đỏ” và nộp thuế, sau khi hoàn tất việc mua bán, người mua sẽ mang hồ sơ lên phòng địa chính nơi quản lý nhà đất để nộp và làm làm thủ tục sang tên (trách nhiệm nộp thuế sẽ tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên). 

Điều cần lưu ý là khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất, mỗi cá nhân cần trực tiếp đến công trình để kiểm tra, so sánh thửa đất, căn nhà có khớp với các thông tin ghi trên "sổ đỏ", "sổ hồng" hay không, có tranh chấp không, đồng thời kiểm tra kỹ sơ đồ bản vẽ xem thửa đất trên thực tế có nằm trong khu quy hoạch. Bên cạnh đó, bên mua cần tìm hiểu các thông tin về căn nhà từ hàng xóm xung quanh - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Thủ tục mua bán, chuyển nhượng nhà đất chưa có "sổ đỏ", "sổ hồng"

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, thông thường, đối với các dự án hình thành trong tương lai sẽ có "sổ đỏ", "sổ hồng" sau khi bàn giao. Nếu muốn thực hiện thủ tục mua bán nhà thuộc dự án này, người mua phải hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.

Hợp đồng mua bán nhà đất bao gồm các thông tin cơ bản như: Thông tin pháp lý người bán, người mua; Thông tin mô tả về nhà ở hình thành trong tương lai; Tổng số tiền hai bên thỏa thuận chuyển nhượng; Các đợt thanh toán tiền tiếp theo, hình thức thanh toán…

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư theo tiến độ dự án. Nếu tiến hành mua bán lại thì người bán và người mua sẽ ra phòng công chứng để thực hiện giao dịch của mình.

Trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất chưa có "sổ đỏ", "sổ hồng" tiềm ẩn nhiều rủi ro do tài sản này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu. Do đó, sẽ rất khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc tài sản. Chưa nói đến việc nhà đất chưa có "sổ đỏ" có thể nằm trong diện quy hoạch, có tranh chấp hay bị tịch thu ... Khi sở hữu tài sản này có bất cứ phát sinh nào người mua sẽ là người chịu thiệt nên bên mua cần hạn chế giao dịch - Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.

Về thủ tục đăng ký biến động (sang tên sổ đỏ), Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực thì phải đăng ký biến động. Với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Như vậy, nếu quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực hoặc từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế đối với trường hợp thừa kế mà không "sang tên sổ đỏ" thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thời gian qua, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, một số đối tượng “cò” nhà đất đã tung ra khá nhiều chiêu lừa khiến không ít cá nhân “sập bẫy”. Thông thường, khi giới thiệu vị trí một miếng đất các đối tượng này chỉ nói chung chung với mức giá cực hấp dẫn. Thấy khách hàng quan tâm, các đối tượng này hẹn đi xem nhà, đất rồi tìm mọi cách thuyết phục khác hàng để đặt cọc luôn, "nếu không sẽ có người khác mua mất"?! Bên cạnh đó, “cò” thường chỉ báo giá đất 1 phần giá thực tế hoặc thổi giá lên cao so với giá trị thực, đưa ra những lời quảng cáo có cánh về những tiện ích của dự án nhưng thực chất chỉ là “bánh vẽ”…