Quy định mới nhất về các giấy tờ cần mang theo khi lái xe ô tô, xe máy và mức xử phạt

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, từ 15/5-14/6, lực lượng CSGT trên toàn quốc ra quân tổng kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự ATGT. Trong đợt ra quân này, CSGT sẽ kiểm tra đủ 4 loại giấy tờ đối với người đi xe máy và 5 loại đối với người điều khiển ô tô. Đó là những loại giấy tờ nào, mức phạt ra sao?

Theo Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phải mang đủ 4 loại giấy tờ, gồm: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe (GPLX), Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, Giấy tờ tùy thân. Đối với người điều khiển ô tô, ngoài 4 loại giấy tờ trên phải mang thêm Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Liên quan đến quy định này, một số người dân đặt câu hỏi: “Khi bị kiểm tra, người điều khiển phương tiện có được xuất trình bản sao công chứng của các loại giấy tờ trên?”

Về vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Song với hoạt động quản lý hành chính Nhà nước (trong đó có việc đảm bảo ATGT đường bộ, xử lý vi phạm hành chính), người dân không được sử dụng giấy tờ công chứng mà phải xuất trình bản chính.

Lực lượng CSGT ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự ATGT (ảnh Lam  Thanh)

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, một số lỗi vi phạm giao thông bị tước quyền sử dụng GPLX, tạm thời giữ giấy tờ xe… nên người điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ xe gốc khi tham gia giao thông. Trường hợp chỉ xuất trình được bản sao giấy tờ xe thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt với lỗi không mang theo giấy tờ.

Tuy vậy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt lại nêu rõ, người tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe.

Về mức xử phạt đối với hành vi không có Đăng ký xe, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô không có Đăng ký xe khi tham giao giao thông bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng. Trường hợp không mang theo Đăng ký xe thì bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

Người điều khiển xe máy không có Đăng ký xe bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng; Không mang theo Đăng ký xe bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây bị phạt từ 80.000 - 120.000 đồng).

Về Giấy phép lái xe (GPLX), người điều khiển ô tô không có GPLX bị phạt tiền từ 4 -6 triệu đồng; Không mang theo GPLX bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

Người điều khiển xe máy không có GPLX bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng; Không mang theo GPLX bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Về Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, người điều khiển ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Người điều khiển xe máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Đặc biệt, Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định chỉ áp dụng đối với ô tô. Người điều khiển xe không có loại giấy này bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng. Nếu không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định, lái xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có những chế tài mạnh với nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao, không chỉ nhằm răn đe người uống rượu, bia nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện giao thông, mà còn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông khác nhằm hạn chế tai nạn. Để tránh bị xử phạt, người dân khi ra đường cần mang đủ các loại giấy tờ theo quy định, đồng thời tham giao giao thông đúng luật.