Dự thảo Luật đường sắt sửa đổi:

Quy định không được vận tải thi hài, hài cốt?

ANTD.VN - Đó là một trong những điểm mâu thuẫn trong Dự thảo Luật đường sắt được một số Đại biểu Quốc hội (Đoàn TP. HCM) nêu ra trong phiên thảo luận tổ diễn ra vào sáng nay (11-11).

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Theo Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn TP.HCM), một số điều quy định tại Dự thảo luật này chưa hợp lý, còn mâu thuẫn, bên cạnh đó phạm vi điều chỉnh cũng không có gì mới. Đại biểu Dương Ngọc Hải chỉ ra rằng, những quy định về điều chỉnh quy hoạch, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông đường sắt, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân, quy tắc tín hiệu giao thông… trong luật còn đơn điệu.

Phạm vi điều này giống như luật hiện hành, mà luật hiện hành đã được xây dựng từ năm 2005. Yêu cầu hiện nay phải phát triển đường sắt làm sao tạo sự đột phá, phát triển để nâng cao năng lực vận tải hành khách, hàng hoá của đường sắt. Thế nhưng hiện nay vẫn chỉ có một đường sắt duy nhất là tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên không có đường sắt và các tuyến đường sắt từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng không có. Phương tiện vận chuyển thì quá lạc hậu. "Theo tôi, mục đích phạm vi điều chỉnh là phải phát triển, khắc phục được việc lạc hậu, nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại, kết nối với các tuyến giao thông khác tạo sự đồng bộ trong hoạt động vận tải hành khách… phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", đại biểu Hải nêu ý kiến. 

Về chính sách ưu đãi được quy định tại Điều 5, một số đại biểucho rằng gần như chính sách do Nhà nước tập trung đầu tư, ưu tiên qũy đất, bảo hộ, khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt nhưng chính sách cụ thể tạo sự đột phá thì không thấy.

Còn tại Điều 6 ưu tiên hỗ trợ trong hoạt động đường sắt thì duy nhất chỉ có giảm, hoặc miễn tiền thuê đất. Nếu nói ưu đãi cho hoạt động đường sắt mà chỉ có giảm tiền sử dụng đất, thuê đất thì chưa đủ tạo ra chính sách cho đường sắt phát triển.

Chỉ ra một số điều quy định trong luật có sự mâu thuẫn, Đại biểu Dương Ngọc Hải viện dẫn, tại Điều 13 quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt”, trong đó có khoản 3, điều này quy định “Mở đường ngang, xây dựng cầu vượt, hầm chui, cống hoặc các công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc phát biểu về dự thảo Luật đường sắt tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Hải cho rằng, như vậy cũng chưa đủ, nhất là không gian liên quan đến phạm vi an toàn đường sắt không thấy nói đến.

Còn tại khoản 15, Điều 13 cấm “Vận chuyển thi hài, hài cốt trên đường sắt đô thị” nhưng lại mâu thuẫn với quy định tại Điều 70 của dự thảo luật này. Ngoài đường sắt thì đường bộ, đường hàng không cũng có quy định về vận chuyển thi hài, hài cốt, theo đại biểu Dương Ngọc Hải nên bỏ khoản 15 của Điều 13 về việc cấm vận chuyển thi hài, hài cốt. Hoặc nếu có vận chuyển thi hài, hài cốt thì áp dụng đúng theo pháp luật và theo Điều 70 của Luật đường sắt.

Đánh giá về việc tách bạch việc đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh đường sắt, Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn TP.HCM) cho rằng, để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, có lẽ Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) cũng đề cập tới việc nếu tách bạch hai doanh nghiệp cùng một chủ cũng được đầu tư, hạch toán độc lập, có trách nhiệm độc lập thì luật không cấm...

Bên cạnh đó, để công bằng về tính thương mại thật sự thì việc luật đặt ra vấn đề tách bạch việc đầu tư hạ tầng đường sắt và đầu tư thương mại ở trên hạ tầng cũng có tính hợp lý.