Quy định của pháp luật về hành vi nhắn tin đe dọa đòi nợ không đúng quy định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi có làm thủ tục vay tín chấp tại công ty tài chính nhưng chưa đến hạn trả nợ thì có một bộ phận tự xưng là người của công ty liên tục gọi điện đe dọa và nhắn tin liên tục để đòi nợ. Vậy cách đòi nợ này có trái pháp luật không và công ty tài chính đòi nợ sai luật sẽ bị xử lý như thế nào? Nguyễn Mạnh Hùng (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Hành vi đòi nợ dồn dập, nhắn tin đe dọa… đều trái với quy định của pháp luật (Ảnh minh họa)

Hành vi đòi nợ dồn dập, nhắn tin đe dọa… đều trái với quy định của pháp luật (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Tại khoản 7, Điều 1, Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định như sau: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 (năm) lần/1 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ theo quy định này, các biện pháp đòi nợ mà nhiều công ty tài chính đang thực hiện như đòi nợ người thân khách hàng, đòi nợ dồn dập, nhắn tin đe dọa… đều trái với quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Toà nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Toà nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Về việc xử lý hành vi đòi nợ trái pháp luật của công ty tài chính, tùy theo hành vi cụ thể, tính chất và mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu về các tội danh như Tội làm nhục người khác” theo Điều 155, Bộ luật Hình sự; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134, Bộ luật Hình sự; Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, Bộ luật Hình sự…

Trong trường hợp này, khách hàng có thể khiếu nại đến công ty tài chính hoặc trình báo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.