Quy định chi tiết danh mục các khoản thu: Ngăn "đẻ" thêm các khoản thu vô lý

ANTĐ - Đây là giải pháp được các nhà làm luật hướng đến trước thực tế địa phương được quy định chi tiết các khoản thu khiến danh mục phí, lệ phí cụ thể làm sinh sôi ra hàng nghìn loại mà Bộ Tài chính cũng không biết hết. 
Quy định chi tiết danh mục các khoản thu: Ngăn "đẻ" thêm các khoản thu vô lý ảnh 1

Các chuyên gia cho rằng việc chuyển học phí bậc đại học sang cơ chế giá là hợp lý nhưng nên xem xét lại đối với học phí phổ thông.  Ảnh: THUẦN THƯ

Từ 301 khoản xuống tới địa phương thành 1.800 loại phí

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo Luật Phí và lệ phí” PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, hiện danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí chỉ quy định 73 loại phí và 42 loại lệ phí. Tuy nhiên, danh mục này được Chính phủ quy định chi tiết thành 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Xuống tới địa phương, Hội đồng nhân dân các tỉnh sẽ tiếp tục quy định chi tiết hơn những khoản thu cụ thể, theo đó các khoản phí, lệ phí thực tế có thể lên tới 1.700 đến 1.800 loại.

Nguyên nhân vì sao số lượng các khoản phí và lệ phí nhiều đến như vậy và đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này? Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) chỉ ra rằng: “Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo dự thảo Luật đã kế thừa Pháp lệnh cũ. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có phí kiểm dịch động vật, thực vật và phí kiểm tra vệ sinh thú y. Trong Pháp lệnh phí và lệ phí, Quốc hội chỉ quy định số lượng phí và lệ phí, sau đó để địa phương được quy định chi tiết các khoản thu. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc “đẻ” ra nhiều khoản thu, như phí kiểm dịch động vật, thực vật có tới mấy chục khoản thu như kiểm tra chuồng trại, kiểm tra an toàn thức ăn...”.

 “Trong Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành chưa tính tới việc các địa phương có thể “đẻ” ra nhiều loại như vậy. Dự thảo Luật Phí và lệ phí sẽ tính tới việc ngăn chặn tình trạng này. Cho ý kiến về Dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu liệt kê chi tiết tất cả danh mục các khoản thu, thay vì chỉ liệt kê danh mục phí, lệ phí”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường phân tích.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường đánh giá để thống kê được tất cả danh mục các khoản thu không hề đơn giản. Ngay cả cơ quan chủ trì việc soạn thảo là Bộ Tài chính cũng không thể biết hết được các địa phương cũng như bộ, ngành hiện nay đã có những khoản thu gì. “Hiện Bộ Tài chính đang yêu cầu thống kê cụ thể và chúng ta có thể hy vọng sau khi thống kê, các khoản không hợp lý, hợp lệ sẽ được loại bỏ”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Xuân Trường phân tích thêm: “Việc quy định chi tiết tất cả danh mục các khoản thu sẽ có lợi là giảm tình trạng “đẻ” ra các khoản thu mới. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là khó thay đổi khi đã đưa vào Luật”. Làm rõ hơn quan điểm, các chuyên gia cho rằng, trong thời điểm hiện nay khi chất lượng lập pháp của chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế và nhiều người dân chưa có điều kiện tiếp cận thông tin thì việc quy định chi tiết các khoản phải thu sẽ có lợi hơn. 

Đã loại bỏ 19 loại phí có tính chất giá dịch vụ

 Đánh giá kết quả phân tích tác động một số vấn đề chính sách trong dự thảo Luật Phí và lệ phí, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, điểm nổi bật của Luật Phí và lệ phí so với Pháp lệnh phí và lệ phí là xác định cụ thể về danh mục phí và lệ phí.

Theo đó, dự thảo luật đã bãi bỏ một số khoản phí để chuyển sang thực hiện cơ chế giá dịch vụ theo quy luật thị trường đối với các dịch vụ không phải do cơ quan Nhà nước mà do các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện. “Bên cạnh đó, Dự thảo Luật phí và lệ phí sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công, khắc phục triệt để tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí”, PGS.TS Lê Xuân Trường phân tích. 

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, trong danh mục, phí và lệ phí hiện đã loại bỏ được 19 loại phí có tính chất giá dịch vụ ra khỏi danh mục, nhưng còn 51 khoản khác nhau trong đó có những khoản cần nghiên cứu thêm. Theo đó, nên bỏ khỏi danh mục khoản “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” vì đã có “Lệ phí trước bạ” có tính chất thu này. 

PGS.TS Lê Xuân Trường cũng cho rằng, học phí bậc đại học chuyển sang cơ chế giá là phù hợp nhưng với cấp phổ thông, việc này nên xem xét lại. Bởi đây là vấn đề liên quan tới an sinh xã hội, khi chuyển sang cơ chế giá, sẽ có thêm nhiều khoản chi phí được tính vào giá dịch vụ, như vậy cơ hội tiếp cận của người nghèo với dịch vụ này sẽ khó hơn. Ngoài ra, chuyên gia này đề nghị, nên bổ sung lệ phí quản lý kinh doanh thay thế cho thuế môn bài để đảm bảo phản ánh đúng bản chất khoản thu.